Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến trường Syria: Khi "gấu" Nga "nhảy múa giữa bầy sói"

Thanh Hà| 25/11/2015 16:00

(HNMO) - Ngày 24/11, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga tại khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, khiến tình hình xung đột gia tăng nhanh chóng và khó đoán định hơn bao giờ hết.


Nhìn lại diễn biến cuộc chiến tại Syria: Chỉ vài ngày sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris, một trong những vụ khủng bố tồi tệ nhất trên lãnh thổ châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 và trong bối cảnh nước Bỉ, trung tâm châu Âu vẫn đang phong tỏa truy tìm khủng bố, một thành viên của khối NATO đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga.

Hình ảnh chiến đấu cơ Nga bị bắn hạ ngày 24/11.


Nếu điều này xảy ra trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, có lẽ chúng ta đã nghĩ tới khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. May mắn thay, điều đó đã không trở thành sự thật.

Thay vì khởi động các mã hạt nhân, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi tổ chức phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi NATO cũng tiến hành cuộc họp bất thường.

Nhưng đừng vội lầm tưởng các động thái này là một sự bình tĩnh. Nga đã giận dữ gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “đồng lõa của khủng bố” và cảnh báo “những hậu quả nặng nề” của sự việc này. Và việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga cũng chỉ là một trong nhiều diễn biến mới tại cuộc chiến phức tạp nhất đang diễn ra trên thế giới.

Sau vụ thảm sát ở Paris, Giáo hoàng Francis nhận định, các vụ tấn công khủng bố là một phần của chiến tranh thế giới lần thứ 3. Thế nhưng chính cuộc chiến tại Syria mới đang biến hình thành cuộc chiến tranh trên diện rộng trong thế kỷ này.

Paris bàng hoàng trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 13/11.


Xung đột tại Syria đã bùng nổ vào năm 2011, biến quốc gia này thành điểm nóng về bạo lực. Mỗi ngày, những bất đồng, mâu thuẫn giữa nhiều phe phái đã thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực, đẩy Syria vào mưa bom bão đạn.

Cuộc nội chiến khởi đầu với các nhóm hoạt động chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Assad, kéo theo sự tham chiến của nhiều nhóm vũ trang đối lập khác. Các nhóm này đấu tranh ôn hòa với các phần tử cực đoan, và các phần tử cực đoan lại đối đầu với các nhóm cực đoan hơn.

Cuộc chiến Syria cũng cho thấy sự mâu thuẫn giữa các nhóm hồi giáo dòng Shiite và Sunnis, Ả Rập và Iran, nhóm Hezbollah ở Lebanon và các nhóm vũ trang vùng Vịnh. Mặt trận al Nusra của Al Qaeda chiến đấu với IS, trong khi người Kurd chiến đấu với IS và quân đội Syria. Thổ Nhĩ Kỳ thì muốn tiêu diệt các nhóm phiến quân người Kurd…

Không chỉ dừng lại ở đó, xung đột Syria còn kéo theo hệ quả địa chính trị rộng lớn hơn, với sự tham gia của các cường quốc, bao gồm Nga, Mỹ và liên minh chống IS.

Sự phức tạp của cuộc chiến Syria không chỉ nằm ở những mâu thuẫn chồng chéo, mà còn ở thực tế là, mỗi đối tượng trong cuộc chiến này đều có kẻ thù và đồng minh ở phe đối lập, đồng sàng nhưng dị mộng.

Cuộc chiến này kéo theo số lượng lớn các quốc gia có liên quan. Năm ngoái, liên minh do Mỹ đứng đầu bao gồm hơn 60 quốc gia. Từ Hàn Quốc tới Australia, các chính phủ đều tham gia với mức độ khác nhau vào chiến dịch chống IS.

Trong khi đó, IS đã mở rộng mạng lưới hoạt động với nhiều nhánh và phần tử tham gia ở khắp nơi trên thế giới. Căn cứ hoạt động tại Syria không chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria và Iraq mà còn vươn sang Libya, bán đảo Sinai, Ai Cập, Nigeria và nhiều khu vực khác tại châu Phi. Những nhóm thánh chiến thề trung thành với IS thì trải dài hoạt động tới Afghanistan, Indonesia, Pakistan, Algeria và Philippines.

IS không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới.


Nhiều người dân thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Syria và Iraq. Và chỉ tính riêng các cuộc tấn công của IS cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân Mỹ, Anh, Ai Cập, Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước khác.

Những cuộc tấn công khủng bố của các cá nhân có liên quan tới cuộc chiến Syria không chỉ khiến dân thường Syria, Iraq, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ nằm xuống mà còn nhiều người dân Canada, Pháp, Australia, Nigeria, Đan Mạch và nhiều nơi khác phải đổ máu.

Và đừng quên Ai Cập, nơi chiếc máy bay Nga vừa bị cài bom rơi xuống bán đảo Sinai cách đây chỉ vài tuần.

Tất cả những điều này, liệu có giống một cuộc chiến tranh thế giới? Và nước Nga sẽ xoay sở thế nào giữa chiến trường khốc liệt, đầy mâu thuẫn, những mục đích riêng của mỗi bên tham chiến?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiến trường Syria: Khi "gấu" Nga "nhảy múa giữa bầy sói"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.