Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến thắng số phận

Quỳnh Anh| 11/05/2010 06:58

(HNM) - Hơn 50 năm kiên trì chống chọi với bệnh tật, vượt lên số phận để đứng vững trong cuộc sống đời thường, rồi trở thành ông chủ một cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 30 người cùng cảnh với mức thu nhập từ 1,2 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, ông Hoàng Văn Ký ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội được mọi người nể phục.

Không đầu hàng bệnh tật

Tôi gặp ông trong lễ trao bằng khen người khuyết tật tiêu biểu năm 2010 của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Nội.

Ông Hoàng Văn Ký

Ông Ký vào chuyện với giọng hồ hởi: Dạo này tôi khá bận vì đang chuẩn bị thành lập thêm xưởng may dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật ở Ba Vì. Đến bây giờ mọi thứ cũng hòm hòm rồi, chắc chỉ vài ngày nữa là làm lễ ra mắt". Ông Ký bị liệt hai tay và một chân nên mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc xe lăn và có người phụ giúp. Không đầu hàng bệnh tật, ông vượt qua nỗi đau của thể xác, kiên trì học nghề để tự kiếm sống. Năm 2001, ông thành lập cơ sở chuyên sửa chữa điện dân dụng, tạo việc làm cho 32 lao động. Sáu năm sau, ông lại thành lập Chi nhánh I Công ty May nhân đạo Trí Tuệ Cầu Diễn, dạy nghề may và tạo việc làm cho người khuyết tật và người nghèo. Từ đó đến nay ông đã mở được 4 khóa dạy nghề may cho 125 người khuyết tật và hầu hết đều tìm được việc làm phù hợp.

Để mở được các lớp dạy nghề điện dân dụng và nghề may cho người khuyết tật, ông Ký đã phải chạy vạy vay vốn. Ngày đầu thấy ông ngồi trên xe lăn, tay chẳng cử động được, nhiều người từ chối khéo. Không nản chí, ông vừa làm nghề, vừa kêu gọi những người cùng chí hướng, người hảo tâm mở rộng tấm lòng. Sự kiên trì của ông đã được những người bạn tốt hiểu và họ cho ông vay vốn để mở cơ sở sửa chữa điện, thành lập chi nhánh công ty may. "Hiện giờ chi nhánh công ty may mặc của tôi có hơn 30 lao động, ngoài lương 1,2 triệu đồng/tháng, mọi người còn được miễn phí bữa ăn trưa", ông Ký cho biết.

Ký ức buồn

Ông Ký sinh năm 1949 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thượng Mỗ. Khi 5 tuổi ông bị ngã, chấn thương cột sống, liệt hai tay và một chân. Không nằm một chỗ, lên 9 tuổi ông nằng nặc đòi đến trường học. Nhiều hôm trời mưa to, người bạn thường chở ông đến trường bị ốm phải nghỉ học nên ông tự "nhảy" đến lớp, cứ "nhảy" được vài chục bước chân, ông lại nghỉ, rồi cứ thế nhảy và nghỉ... Hai tay và một chân không cử động được, ông tập viết bằng chân còn lại. Nhìn ông quắp chiếc bút vào ngón chân viết những dòng chữ ngay ngắn, thẳng hàng mới thấy hết sự bền bỉ, cố gắng vượt lên chính mình.

Học xong lớp 10, ông đi học nghề may. Sau một năm ông xin vào làm việc ở cơ sở may thị xã Sơn Tây. "Hồi đó người ta nhận tôi vào làm việc vì quá thương tôi chứ thấy tôi què quặt, chẳng ai nghĩ là sẽ làm được việc", ông Ký nhớ lại. Nhưng rồi với sự bền bỉ và kiên trì, ông đã vượt qua tất cả, khẳng định với mọi người rằng, một người khuyết tật dù nặng đến mấy nếu có quyết tâm thì vẫn có thể làm được việc, sống có ích.

Khó khăn lại ập đến với ông khi cơ sở may làm ăn thua lỗ phải giải thể. Ông về quê mở quán nước kiếm sống qua ngày. Một năm sau, quê ông có điện, ông học thêm nghề sửa chữa điện. Khi tay nghề đã khá, ông vay mượn bạn bè và dốc toàn bộ tiền tiết kiệm được 80 triệu đồng mở xưởng sửa chữa điện gia dụng và nhận những người khuyết tật, trẻ mồ côi vào làm việc... Làm ăn uy tín nên lượng khách hàng ngày một đông. Có tiền, ông thành lập chi nhánh công ty may mặc. Đến nay, ông không những bảo đảm cho gia đình một cuộc sống no đủ, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động khuyết tật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng số phận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.