(HNM) - Sau 4 năm và 17 vòng đàm phán, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản đã đạt được đồng thuận rộng rãi về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lịch sử.
Kim ngạch xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang EU sẽ gia tăng sau khi FTA có hiệu lực. |
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cả Nhật Bản và EU đều đứng trước những thách thức mới sau khi chính quyền Mỹ có những thay đổi lớn về lập trường trong các vấn đề kinh tế và đối ngoại. Việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến Tokyo mất đi một số đòn bẩy quan trọng, đặc biệt là tự do hóa kinh tế - mục tiêu thứ ba trong chương trình cải cách đầy tham vọng Abenomics. Thể hiện sự chủ động trong việc kết nối với chính quyền mới ở Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tiếp xúc với Tổng thống đắc cử D.Trump và sau đó nhanh chóng thực hiện chuyến thăm chính thức tới Washington. Tuy nhiên, dường như từng đó chưa đủ để nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc yên tâm. Về phía Châu Âu, việc ngừng đàm phán Hiệp định tự do thương mại Mỹ - EU (TTIP) và các ý tưởng bảo hộ của người đứng đầu nước Mỹ cũng khiến châu lục này trở nên bất an, nhất là khi các thành viên EU vẫn còn chưa thoát khỏi hậu quả cuộc khủng hoảng nợ và làn sóng người nhập cư đang gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Để đi đến thỏa thuận cuối cùng, suốt 4 năm qua, cả EU và Nhật Bản đã phải nỗ lực thu hẹp nhiều khác biệt. Trong đó, tranh cãi nổi cộm nhất là việc liên minh kinh tế lớn nhất thế giới yêu cầu Nhật Bản xóa bỏ mức thuế 30% áp lên sản phẩm phô mai, sữa nhập khẩu từ khối, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường rượu, thịt lợn, sô cô la và gỗ xẻ của quốc gia Châu Á này cho EU. Trong khi đó, nông dân Nhật Bản đã lên tiếng lo ngại về tương lai thị trường sẽ tràn ngập các sản phẩm nông nghiệp từ Châu Âu có tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, Tokyo cũng đề nghị EU sớm bãi bỏ mức thuế 10% đối với xe ô tô nhập khẩu từ nước này trong bối cảnh các nhà sản xuất xe hơi tại Châu Âu đang là nguồn tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất tại Cựu lục địa.
Theo thống kê, tổng giá trị thương mại song phương Nhật Bản - EU trong năm 2016 vào khoảng 144 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ bảy của EU trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản, sau Trung Quốc và Mỹ. Sau khi FTA có hiệu lực, về phía EU, thỏa thuận này có thể giúp tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thêm 1%, tăng 30% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Nhật Bản và tạo thêm 400.000 việc làm tại 27 nước thành viên. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á sang EU cũng tăng 23,5%, góp phần đưa nền kinh tế nước này đi đúng với mục tiêu mà Thủ tướng S.Abe đã đề ra.
FTA cũng có thể đặt các công ty Mỹ vào thế yếu và bất lợi ở thị trường Nhật Bản trước lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Châu Âu trong các lĩnh vực tương tự. Trong bối cảnh EU và Nhật Bản đóng góp 1/3 GDP toàn cầu, FTA giữa hai trung tâm kinh tế trọng yếu của thế giới sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ rằng, thương mại tự do vẫn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của các quốc gia và Washington nên cân nhắc quay trở lại TPP. Vì vậy, thỏa thuận FTA giữa EU và Nhật Bản được đánh giá đã mang lại cú hích lớn về kinh tế cho cả hai bên. Sự kiện này còn đánh dấu một chiến thắng lớn cho thương mại tự do và gửi thông điệp tới Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đang diễn ra tại Hamburg (Đức) rằng, bảo hộ thương mại không phải là xu thế được ủng hộ trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.