(HNM) - Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Li Miêng Pắc và Thủ tướng Manmôhan Xinh trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ 4 ngày (24 đến 27-1) của Tổng thống Li Miêng Pắc đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Hàn Quốc - Ấn Độ.
Cùng với một loạt hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ... được ký kết, thỏa thuận 31 điểm nhằm nâng cấp quan hệ song phương lên "quan hệ đối tác chiến lược" là thành công nổi bật nhất trong chuyến thăm này. Với thỏa thuận này, Ấn Độ đã trở thành đối tác chiến lược thứ 13 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác chiến lược thứ 9 của Ấn Độ.
Diễn ra trong bối cảnh hai nền kinh tế đang nổi này vừa hoàn tất Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) hay còn gọi là Thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2010, chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Li Miêng Pắc là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Ấn Độ nói riêng, khu vực Nam Á rộng lớn nói chung. Nhận định này càng có cơ sở khi lãnh đạo hai bên nhất trí đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương từ 11,4 tỷ USD trong năm 2009 lên mức 30 tỷ USD vào năm 2014, thông qua việc thực hiện đầy đủ các quy chế FTA.
Chuyến thăm vừa khép lại nhưng đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác giữa hai nước. Thông qua chuyến thăm, Xơun muốn tìm thấy ở thị trường đông dân thứ hai thế giới này một nền tảng mới bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Với dân số 1,2 tỷ người, Ấn Độ là một nền kinh tế đang nổi có tốc độ tăng trưởng cao, bất chấp cuộc suy thoái toàn cầu vừa qua. Nhờ đó, Hàn Quốc có thể xây dựng các động lực tăng trưởng mới bằng việc tận dụng các cơ hội kinh doanh tại thị trường Ấn Độ, một thị trường có sức mua lớn thứ tư trên thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, Ấn Độ sẽ nổi lên vào năm 2015 như cường quốc kinh tế quan trọng thứ tư trên thế giới gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Thậm chí Ấn Độ còn được kỳ vọng có thể vượt Nhật Bản vào những năm 2020 như một nền kinh tế lớn thứ ba thế giới; vượt qua Trung Quốc vào đầu những năm 2030 để trở thành đất nước đông dân nhất thế giới. Trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, trong 2 năm tới Hàn Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng cao thứ ba trong số 15 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, tức là sau Trung Quốc và Ấn Độ. Vì thế, việc đẩy mạnh hợp tác giữa Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ có lợi cho cả đôi bên, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hai nước đã tiến gần đến mức quan hệ ngoại giao cao nhất là quan hệ đồng minh.
Song thành công quan trọng hơn mà Hàn Quốc gặt hái được qua chuyến thăm Ấn Độ này là bước hoàn chỉnh tiếp theo trong chiến lược ngoại giao hướng tới châu Á mới mà Tổng thống Li Miêng Pắc từng đề ra khi nhậm chức. Thông qua quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, Hàn Quốc có thể đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các nước châu Á - những quốc gia được đánh giá là đầu tàu tăng trưởng của thế giới thời kỳ hậu khủng hoảng hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.