Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 21/1 đã công bố một chiến lược phi quân sự lâu dài nhằm bình ổn Afghanistan và Pakistan, trong đó kêu gọi gửi thêm các chuyên gia dân sự Mỹ tới khu vực này.
Trong một thông báo, bà H.Clinton nêu rõ trong khi sứ mạng quân sự của Mỹ tại Afghanistan vẫn chưa kết thúc, Mỹ cam kết xây dựng các mối quan hệ đối tác lâu dài với Afghanistan và Pakistan.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Nguồn: Getty Images)
Bà tin tưởng rằng chiến lược này sẽ mang lại triển vọng tốt nhất cho việc bình ổn hai quốc gia Nam Á này.
Chiến lược bình ổn Afghanistan và Pakistan trên được đưa ra gần hai tháng sau khi Chính quyền của Tổng thống Barack Obama thông báo tăng viện 30.000 quân tới Afghanistan và đặt mục tiêu làm suy yếu lực lượng chống đối cực đoan thông qua các hành động chính trị và trợ giúp kinh tế.
Chiến lược dân sự mới này phác thảo các kế hoạch nhằm tái thiết khu vực nông nghiệp, tăng cường năng lực điều hành đất nước của ban lãnh đạo Afghanistan và tái hòa nhập những phần tử cực đoan.
Ngoài ra, chiến lược này cũng kêu gọi tăng khả năng của Pakistan đối phó với làn sóng nổi dậy Hồi giáo ngày càng gia tăng cũng như nâng cao mối quan hệ đối tác giữa Washington và Islamabad, phần nào thông qua hậu thuẫn các cải cách chính trị và kinh tế.
Về những triển khai dân sự cụ thể, Ngoại trưởng H.Clinton kêu gọi tăng số chuyên gia dân sự Mỹ tại Afghanistan, hiện vào khoảng gần 1.000 người, dự kiến sẽ triển khai trong vài tuần tới. Chiến lược trên còn cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng H.Cliton đã hội đàm với người đồng cấp Anh David Miliband, thảo luận các vấn đề liên quan tới hội nghị quốc tế về Afghanistan, dự kiến diễn ra tại thủ đô London của Anh ngày 28/1 tới.
Bình ổn Afghanistan và Pakistan là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama.
Tuy nhiên, cả hai quốc gia Nam Á này đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên cả mặt trận an ninh và xã hội./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.