(HNM) - Trước sức ép ngày một lớn về đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm để nuôi sống hơn 1,34 tỷ dân, những năm qua nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc không ngừng vươn ra các nước trên thế giới thuê đất phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, sự kiện Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận thuê 3 triệu héc ta đất nông nghiệp của Ukraine trong 50 năm tới - tương đương khoảng 5% tổng diện tích và 9% diện tích đất canh tác của quốc gia này - là một thương vụ khá hy hữu, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Phát triển nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. |
Thông tin mới nhất được báo chí Trung Quốc đăng tải cho hay, Tập đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC) mới đây đã ký một hợp đồng lớn với KSG Agro - Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu của Ukraine. Theo đó XPCC sẽ thuê 3 triệu héc ta đất nông nghiệp của Ukraine để trồng hoa màu - trong đó chủ yếu là lúa mì - và chăn nuôi lợn trong vòng 50 năm tới. Trước tiên, KSG Agro sẽ cung cấp cho XPCC 100.000 héc ta đất nông nghiệp chất lượng cao ở vùng Dnipropetrovsk. Dự kiến khi đi vào hoạt động, sản phẩm sẽ được các công ty thực phẩm nhà nước Trung Quốc bao tiêu toàn bộ với mức giá ưu đãi.
Dù không tiết lộ tổng mức đầu tư của dự án, nhưng báo giới Trung Quốc ước tính thương vụ này có giá trị lên đến 2,6 tỷ USD và được xem là dự án đầu tư nước ngoài chưa có tiền lệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Ukraine. Đây cũng là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Việc canh tác tại Ukraine không chỉ là một phần quan trọng trong chương trình an ninh lương thực của Trung Quốc mà còn giúp XPCC mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động Trung Quốc ở nước ngoài, giúp họ có điều kiện tăng thu nhập.
Nếu nhìn vào thực tế khả năng cung - cầu trong nông nghiệp của Trung Quốc có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này ra nước ngoài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là điều dễ hiểu. Là quốc gia đông dân nhất thế giới, tiêu thụ 1/5 sản lượng lương thực toàn cầu, nhưng Trung Quốc chỉ sở hữu 9% diện tích đất canh tác. Báo cáo mới đây của Viện Phát triển bền vững quốc tế (IISD) cho thấy, diện tích đất nông nghiệp tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng chưa đầy 40% con số trung bình toàn cầu. Trong đó, đô thị hóa ồ ạt là nguyên nhân khiến diện tích đất nông nghiệp của Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp.
Trước thực trạng này, nhiều năm qua Trung Quốc đã mong muốn mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Châu Phi và Châu Á, những nơi có diện tích đất nông nghiệp lớn chưa được sử dụng để đầu tư. Mua và thuê đất nông nghiệp ở nước ngoài là một phần trong chiến lược "Đầu tư toàn cầu" trong lĩnh vực nông nghiệp được chính phủ nước này công bố năm 2008. Nắm bắt trước được xu hướng đó, từ năm 1996 Công ty Tân Thiên ở Tân Cương đã trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp với số vốn 50.000 USD đầu tư vào Cuba để trồng lúa nước. Hai năm sau đó, công ty này mua thêm 1.050 héc ta đất ở Mexico. Tháng 3-2004, chính quyền TP Trùng Khánh đã ký thỏa thuận hợp tác "Khu nông nghiệp tổng hợp Trung Quốc - Lào" với diện tích 5.000 héc ta với nhiều hạng mục như lâm nghiệp, thủy lợi...
Thế nhưng, không phải thương vụ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nào của Trung Quốc cũng diễn ra suôn sẻ như dự án vừa ký kết với Ukraine. Năm 2010, Trung Quốc ngỏ ý muốn thuê hàng triệu héc ta đất tại Kazakhstan, song kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, chiến lược thuê, mua đất nông nghiệp ở nước ngoài còn giúp các công ty Trung Quốc đưa hàng triệu lao động nước này ra nước ngoài làm việc. Song đó cũng là vấn đề gây khó cho nhiều quốc gia khi được cho là có thể sẽ dẫn tới những vấn đề xã hội hay thị trường. Dẫu vậy, việc giải tỏa những quan ngại sẽ không đến mức quá khó khăn nếu như các doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định được uy tín, sự nghiêm túc và thành ý hợp tác trong quá trình "làm ăn" và phát triển tại nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.