(HNM) - Quyết định dừng cấp học bổng cho các ứng viên đã trúng tuyển đi học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo đề án 322 và những lúng túng trong việc xử lý việc đi học, tuy chỉ của gần 50 con người, nhưng đã cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng một chiến lược về nhân tài.
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn", chân lý được tạc trên một trong 82 tấm bia đá đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn được nhắc đến nhưng trên thực tế, việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng người tài ở nước ta còn nhiều điều phải suy ngẫm.
Nhân tài có vị trí đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mọi thời kỳ lịch sử. Từ xa xưa, ông cha ta đã ý thức rõ vị trí, vai trò của hiền tài. Nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân tài, trong mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, công tác cán bộ nói chung và vấn đề nhân tài nói riêng luôn được đề cập. Từ 15 năm trước, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ban hành nghị quyết chuyên đề về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (Nghị quyết 03) nhấn mạnh: "Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn". Tiếp tục định hướng này, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI cũng đều chỉ rõ: "Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng. Tăng nguồn đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội vào phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, trước hết trên ba lĩnh vực: lãnh đạo - quản lý, sản xuất - kinh doanh và khoa học - công nghệ".
Có một sự thật không thể phủ nhận, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học - công nghệ và sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức… thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là tài năng trẻ, có vai trò cực kỳ quan trọng. Chỉ có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế khi biết chăm lo vun trồng nguyên khí của quốc gia, biết phát hiện, đào tạo, trọng dụng và sử dụng đúng nhân tài. Tuy nhiên, đây lại là nhiệm vụ đầy khó khăn. Thực tiễn cũng cho thấy, công tác nhân tài ở nước ta hiện nay đang còn nhiều vấn đề hạn chế và không ít bất cập, do thiếu cả mục tiêu cụ thể lẫn chương trình, kế hoạch tổng thể; chưa có những giải pháp chiến lược trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lẫn thu hút và trọng dụng nhân tài.
Phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài là nhiệm vụ không chỉ của ngành giáo dục nhưng lại là một trách nhiệm quan trọng của ngành. Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã có những chủ trương, biện pháp phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và thu được những kết quả nhất định.
Hệ thống trường chuyên đã hình thành và phát triển là nơi phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần nâng số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế tăng hằng năm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, mạng lưới các trường chuyên, lớp chọn phát triển tràn lan, tự phát, bộc lộ nhiều khiếm khuyết cả về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục, quản lý, tuyển sinh… Đáng tiếc, thay cho việc tìm giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực lại là xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn ở những bậc học thấp, chỉ giữ mô hình trường chuyên ở bậc THPT. Nhưng nhu cầu và yêu cầu phát hiện và bồi dưỡng nhân tài thì vẫn còn đấy nên trên thực tế, vẫn luôn tồn tại những lớp chọn, dù được "đựng" trong "bình mới". Vì không "danh chính ngôn thuận" nên việc đầu tư cho những học sinh có năng khiếu này ở tiểu học và THCS gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới việc tạo nguồn cho bậc THPT. Ở bậc đại học và sau đại học, giai đoạn quan trọng nhất trong đào tạo trình độ nghề nghiệp, công tác bồi dưỡng tài năng chưa có mô hình hiệu quả, rõ nét; chưa có phương thức tích cực và chủ động để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng sinh viên xuất sắc ngay từ lúc mới vào đại học; thiếu chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, chính sách, cơ chế quản lý thích hợp và đồng bộ cho đào tạo, bồi dưỡng sinh viên giỏi. Một số năm gần đây, đã xuất hiện những mô hình đào tạo sinh viên tài năng như chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng ở một số trường ĐH. Song, sau một số năm triển khai, có trường ĐH đã phải tạm dừng bởi mục tiêu ban đầu đặt ra là đào tạo những kỹ sư - cử nhân chất lượng cao nhằm cung ứng lực lượng giảng dạy kế thừa làm việc tại các trường ĐH-CĐ, bổ sung nguồn nhân lực nghiên cứu chuyên môn cho các viện nghiên cứu và thị trường lao động đã không đạt được. Đơn vị đào tạo phải đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo tài năng, từ kinh phí, cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình nhưng kết quả thu được là sinh viên tốt nghiệp không trở thành giảng viên, tìm việc làm khó khăn hoặc làm không đúng ngành nghề đào tạo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng lý do chính vẫn là việc bố trí, sử dụng và theo dõi sự phát triển của cả học sinh giỏi lẫn sinh viên tài năng sau giai đoạn đào tạo ở nhà trường không được quan tâm đúng mức.
Học sinh, sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá là thông minh, cần cù. Khi học tập ở nước ngoài, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn đạt kết quả cao và không ít quốc gia đã sẵn sàng cung cấp học bổng để thu hút học sinh, sinh viên giỏi của Việt Nam sang học tập và sau đó là làm việc. Rõ ràng, học sinh giỏi, sinh viên tài năng và người tài ở nước ta không thiếu. Cái thiếu là một môi trường thuận lợi để thu hút và trọng dụng nhân tài. Không phải chúng ta không có chính sách, chế độ người tài mà là chính sách rất chắp vá, rời rạc và mang tính tình thế. Học bổng 322 là một ví dụ điển hình. Đề án được triển khai từ năm 2000, lẽ ra sẽ kết thúc vào năm 2014, nhưng với cách làm "tùy hứng", tuyển thêm ứng viên để "gối đầu" cho một đề án mới mang tên 911, chỉ mới được duyệt, chưa được cấp kinh phí nên phải dừng trước thời hạn dẫu dăm tháng trước, khi tổng kết 10 năm thực hiện đề án, người ta còn khẳng định cần phải kéo dài 322 thêm nhiều năm nữa. Thêm vào đó, tình trạng "chảy máu chất xám" ở trong phạm vi đề án, khi người học học xong không về hoặc có về thì lại không tiếp tục làm việc cho nơi đã cử mình đi học cho thấy, dù công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng có tốt đến đâu nếu không có cơ chế, chính sách để sử dụng tài năng và chính sách trọng dụng nhân tài thì mọi công sức của giai đoạn trước sẽ là vô ích.
Thành công của nhiều quốc gia trên thế giới gắn liền với một chiến lược sử dụng người tài hiệu quả. Không chỉ là nhân tài "nội", những nước này có chính sách rõ ràng để thu hút người nước ngoài giỏi đến học tập và làm việc mà Singapore là một ví dụ điển hình. Tham gia vào cuộc chiến toàn cầu để giành giật nhân tài và quan điểm nhân tài nước ngoài là chìa khóa bước tới tương lai, đảo quốc này có chính sách nhất quán và dài hơi về việc thu hút học sinh giỏi của các nước tới Singapore học tập. Ở đây, người có tài không chỉ được biệt đãi mà còn được tạo niềm tin bởi với họ, ngoài thu nhập, nhu cầu được cống hiến, tôn trọng và vinh danh là rất lớn. Trong những lý do khiến những người đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí du học theo đề án 322 và cả những giảng viên, nhà khoa học trẻ, sinh viên, học sinh giỏi được học bổng du học không về nước cống hiến hoặc dứt áo ra đi khỏi khu vực nhà nước... chính là bởi họ không được đãi ngộ và quan trọng hơn là không có điều kiện để thể hiện, phát huy và khẳng định tài năng. Cơ chế sử dụng nhân tài chưa rõ ràng, ở nhiều nơi còn là chưa dám dùng người có tài, một phần do những rào cản mang tính văn hóa, kể cả thái độ đố kỵ... Chính sách sử dụng nhân tài đã có nhưng "thảm đỏ" trải ra không đủ sức giữ được người tài, bởi việc triển khai các chính sách này nhiều khi mang nặng tính hình thức. Không chỉ chưa đánh giá, xem trọng đúng mức người tài mà đó đây vẫn xảy ra tình trạng người kém tài, thiếu đức mà vẫn có chức có quyền do lý lịch hoặc chạy chọt, móc ngoặc, ô dù, bè cánh, nịnh bợ… khiến cho nhiều người có tài không có chỗ đứng và mất lòng tin.
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ rất cần thiết là: "Triển khai xây dựng đề án Chiến lược quốc gia về nhân tài". Những vấn đề của công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng và trọng dụng nhân tài sẽ chỉ được giải quyết thấu đáo khi có một chiến lược quốc gia về nhân tài với những mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách cụ thể; những đột phá mới về thể chế, cơ chế liên quan đến nhân tài. Việc làm cấp thiết này tiếc là vẫn chậm được triển khai dẫu tất cả đều chung nhận định: Rất cần có một chiến lược quốc gia về nhân tài - chiến lược của mọi chiến lược.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.