Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Quỳnh Chi| 19/01/2013 06:07

(HNM) - Ngày 18-1, Pháp đã điều động thêm hàng trăm binh sỹ tới Mali nhằm gia tăng sức mạnh cho chiến dịch "Mèo sa mạc", nâng tổng số quân viễn chinh tham chiến tại đây lên 1.400 người.



Các thành viên trong khối Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cũng đã hành động. Các quốc gia ECOWAS đang lần lượt gửi quân tới phối hợp tác chiến cùng quân Pháp nhằm nhanh chóng chấm dứt sự hỗn loạn có nguy cơ đe dọa cả khu vực tại quốc gia hơn 14 triệu dân này.

Binh sỹ Pháp tại Mali.


Mặc dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ cả ở trong nước lẫn quốc tế, song chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali - lần thử lửa đầu tiên của Tổng thống Pháp Francois Hollande trên cương vị Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang 8 tháng sau khi làm chủ nhân Điện Elysée - vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và mang lại cảm giác bất an cho người dân ở đất nước hình Lục lăng.

Trong những ngày đầu chiến dịch, Pháp đã nhanh chóng đánh bật phiến quân Hồi giáo ra khỏi những thị trấn chiến lược như Mopti và Savare, nhiều người đã tin rằng, thời gian để quân đội Pháp hoàn thành sứ mệnh sẽ chỉ được tính bằng tuần chứ không phải là tháng hay năm. Nhưng, sự lạc quan không kéo dài được bao lâu khi "đội quân thành Gaulois" vấp phải sức kháng cự bất ngờ của các phần tử khủng bố. Gilles Yabi - một nhà phân tích thời sự nổi tiếng ở Senegal cho rằng, một chiến dịch quân sự kiểu này luôn tiềm ẩn những rủi ro và thường sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ban đầu. Đặc biệt, đây không phải là một cuộc chiến tranh quy ước vì đối phương là những nhóm khủng bố thoắt ẩn thoắt hiện. Thực tế cho thấy, bằng sức mạnh và khí tài tối tân, lực lượng binh sỹ Pháp đã nhanh chóng và dễ dàng giành quyền kiểm soát tại những khu vực đồng bằng và thành phố; song, những thách thức thực sự đối với đội quân viễn chinh Pháp là ở những vùng có địa hình hiểm trở như khu vực đồi núi gần biên giới Algeria. Cảnh báo của G.Yabi không khỏi khiến dư luận liên tưởng tới cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ và đội quân của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sa lầy tại Afghanistan suốt 10 năm qua.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ nhăm nhe đe dọa nhấn chìm Cựu lục địa, Pháp và nhiều nước đồng minh đang phải đau đầu vì các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để giải quyết mối lo "cơm áo gạo tiền" cho người dân thì một chiến dịch quân sự kéo dài tại Mali sẽ là một bài toán vô cùng hóc búa với Paris. Trong khi đó, trên thực tế, những năm qua lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Mali nhận được những khoản "tài trợ ma" to lớn mà theo ước tính có thể lên tới hàng chục triệu USD từ các tổ chức buôn người hay buôn lậu ma túy xuyên quốc gia. Khoản kinh phí khổng lồ này vượt xa khả năng chi trả của Mali cho đội quân của Chính phủ đã giúp các tay súng nổi dậy được vũ trang khá hiện đại. Vì lẽ đó, một chiến dịch "tốc chiến, tốc thắng" ở một chiến trường xa lạ mà đội quân viễn chinh Pháp thực hiện nhằm vô hiệu hóa ngay một lực lượng như vậy là hoàn toàn không dễ dàng.

Ngay như cựu Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin cũng cho rằng, Pháp đang tiến hành một cuộc chiến dò dẫm, thiếu tính mục đích, thiếu một đối tác bền vững ở Mali - một đất nước không có tổng thống chính thống từ tháng 3-2012 và thủ tướng từ tháng 12-2012. Thêm vào đó, điều kiện thành công với Pháp lại không hội đủ ở Mali khi binh lính Pháp phải chiến đấu bên cạnh một quân đội Mali chia rẽ, và một thể chế nhà nước rất yếu.

Ngoài ra, có những mối đe dọa khác không thể xem nhẹ khi suốt một tuần qua, đã có không ít lời đe dọa của các nhóm khủng bố và Hồi giáo cực đoan tại Châu Phi là sẽ nhằm vào nước Pháp. Nhóm Al-Qaeda tại vùng Hồi giáo Maghreb cảnh báo, nước Pháp phải ngừng ngay cuộc chiến, nếu không sẽ có những hậu quả khôn lường. Tại Somalie, nhóm khủng bố Al-Shabab tuyên bố "người Pháp sẽ không thể tránh khỏi những hậu quả cay đắng cho hành vi thiếu trách nhiệm của Chính phủ đối với các con tin". Còn Ansar Dine - một trong những nhóm Hồi giáo cực đoan tại Mali - cảnh báo "sự can thiệp quân sự của nước Pháp sẽ gây những hậu quả không chỉ với các con tin mà cả kiều bào Pháp tại bất kỳ nơi nào trong thế giới Hồi giáo". Ngoài ra, các cuộc tấn công trả đũa của nhiều nhóm cực đoan khác trên toàn Châu Phi cũng có thể nhằm vào những quốc gia đồng minh của Pháp, biến khu vực này thành chảo lửa khó có thể kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.