Quá trình kinh doanh, Dậu vay tiền của nhiều người với lãi suất thấp, sau đó cho vay lại với lãi suất cao để hưởng lợi.
Trong hai ngày 13 và 14-7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này. Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, trong thời gian kinh doanh “tín dụng đen”, Dậu vay của nhiều người với tổng số tiền gần 140 tỷ đồng và 31 cây vàng SJC với lãi suất từ 2% đến 3% một tháng, sau đó cho nhiều người khác vay lại để hưởng lãi suất 9% đến 15% một tháng.
Từ ngày 1-9 đến ngày 19-9-2011, mặc dù đã mất hoàn toàn khả năng thanh toán nợ nhưng Dậu tiếp tục vay của người dân hơn 5,6 tỷ đồng với lãi suất từ 6% đến 9% một tháng để chi trả lãi cho các khoản vay trước đó và chi dùng cho gia đình. Sau khi tuyên bố không còn khả năng trả nợ, Dậu cùng chồng là ông Nguyễn Hồng Hảo đã chuyển nhượng ngôi nhà số 5 phố Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, quận Hà Đông cho anh Trần Việt Cường, ở Hà Nội với số tiền 10 tỷ đồng. Điều đáng nói là ngôi nhà này ông Hảo đã thế chấp ở một ngân hàng ở Hà Nội để vay số tiền 3 tỷ đồng.
Bị cáo Dậu tại phiên xử. |
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên ngôi nhà này để phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử. Tuyên bố vỡ nợ xong, Dậu bỏ trốn khỏi nơi cư trú một thời gian, sau đó đến cơ quan Công an đầu thú.
Kết quả điều tra cho thấy, trong số tiền vay của nhiều người, Dậu cho anh Nguyễn Đức Thắng, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông vay 54,9 tỷ đồng. Quá trình vay, anh Thắng đã trả cho Dậu được gần 3,3 tỷ đồng và 10.000 USD. Ngoài ra, anh Thắng còn ủy quyền cho Dậu sử dụng hai thửa đất, một thửa có diện tích 62m2, một thửa có diện tích 154m2 ở quận Hà Đông. Đến khi Dậu bỏ trốn khỏi nơi cư trú, giữa anh Thắng và Dậu vẫn chưa thỏa thuận về giá trị của hai mảnh đất này.
Theo lời khai tại cơ quan điều tra, anh Thắng có quan hệ quen biết với Dậu và ông Hảo trước khi vụ án này xảy ra và anh Thắng cũng đã từng cho vợ chồng Dậu vay tiền. Sau đó, vì cần tiền đầu tư kinh doanh nên anh Thắng đã vay tiền của Dậu nhiều lần với lãi suất 15% một tháng. Hàng tháng, anh Thắng và Dậu đều đối chiếu công nợ và ký biên nhận thanh toán với nhau. Lần cuối cùng chốt nợ, anh Thắng đã viết hai giấy nhận nợ với Dậu với tổng số tiền hơn 145 tỷ đồng (trong đó 54,9 tỷ đồng vay và gần 90,6 tỷ đồng lãi).
Anh Thắng khai, mục đích của việc viết giấy nhận nợ số tiền trên để Dậu có thể chứng minh rằng, anh Thắng nợ Dậu tương đương số tiền Dậu nợ những người khác. Do chưa đủ cơ sở xác định anh Thắng đồng phạm với Dậu trong vụ án này nên cơ quan điều tra đã tách riêng hành vi của anh Thắng để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.
Quá trình điều tra còn xác định, anh Nguyễn Văn Tuấn, ở phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La là người viết giấy vay nợ của Dậu số tiền 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dậu lại khai trước cơ quan điều tra rằng, chị ta không đưa khoản tiền này cho anh Tuấn. Lý do anh Tuấn viết giấy vay số tiền này nhằm mục đích để Dậu chứng minh, số tiền Dậu đã vay được sử dụng cho người khác vay làm ăn nhằm tạo thêm niềm tin để người dân có thể tiếp tục cho Dậy vay tiền. Do không đủ cơ sở xác định, anh Thắng đồng phạm với Dậu nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Trong số 62 giấy biên nhận vay tiền của Dậu thì có 25 giấy có chữ ký xác nhận của chồng Dậu là ông Hảo. Nhưng Dậu khai, chị ta là người hỏi vay và đã sử dụng tất cả số tiền liên quan đến chữ ký của ông Hảo.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra kết luận, tuy không đủ cơ sở xác định ông Hảo đồng phạm với Dậu trong vụ án này, nhưng ông Hảo phải chịu trách nhiệm dân sự trong việc bồi hoàn và khắc phục hậu quả những khoản tiền mà Dậu đã viết giấy vay. Xác định hành vi phạm tội của bị cáo Dậu là đặc biệt nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại theo luật định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.