(HNM) - UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Mục tiêu là đến năm 2020, Thủ đô sẽ có gần trăm tuyến xe buýt, đủ sức đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ hơn 2,5 triệu hành khách mỗi ngày.
Thủ đô hiện có hơn sáu chục tuyến buýt và theo một dự án mới được phê duyệt, số tuyến có thể tăng lên con số 77 vào năm 2015. Tuy thế, nhìn vào năng lực vận chuyển, hệ thống xe buýt hiện nay vẫn chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân một cách tốt nhất, chất lượng dịch vụ vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển thường xuyên của nhiều nhóm cư dân. Nhiều người có thu nhập khá, muốn tận hưởng sự thoải mái trong quá trình di chuyển đã không chọn xe buýt bởi đã có những phàn nàn về cách thức phục vụ của nhà xe, về sự xuống cấp của thiết bị, về sự nhếch nhác tại nhiều điểm chờ xe. Nhiều học sinh, sinh viên thuộc nhóm hành khách "ruột" của xe buýt, đã chọn cách di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc để phụ huynh chở đến trường chứ không đi xe buýt, có khi đơn giản chỉ là vì cách dừng - đỗ rất ẩu của một số lái xe. Đó là chưa kể những hệ lụy khác từ sự không đúng giờ, xe bỏ điểm dừng đón - trả khách theo quy định…
Trên trang web của một đơn vị vận chuyển hành khách công cộng ở Hà Nội có thông điệp về tác dụng của xe buýt. Tựu trung, đó là góp phần kiềm chế tai nạn, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ách tắc giao thông. Lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế, rất khó nói hệ thống xe buýt hiện nay thân thiện với môi trường và xe buýt không lấn đường, lấn tuyến. Trong nhiều trường hợp, việc xe buýt giành đường, chiếm làn đường của xe thô sơ là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ách tắc giao thông. Bởi thế, đề án mới được phê duyệt là cần thiết với Hà Nội, đặc biệt là khi Thủ đô vẫn chưa có hệ thống giao thông ngầm, vấn nạn giao thông đang là bài toán nan giải và trong nhiều năm tới, xe buýt vẫn là loại phương tiện vận chuyển công cộng mũi nhọn, được ví như "cây đũa thần" trong nỗ lực giảm tải cho hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cách thức thực hiện mục tiêu mà đề án đặt ra. Những cải cách về quản lý, điều hành, xã hội hóa, xây dựng hạ tầng, thay mới phương tiện theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường chỉ có thể phát huy tác dụng đầy đủ nếu những phần việc đó cùng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, khiến họ tìm đến xe buýt ngày một nhiều hơn. Mục tiêu ấy đặt ra nhiệm vụ cụ thể về đào tạo - giáo dục đội ngũ phục vụ, quản lý phương tiện, xử lý vi phạm giao thông, xác định năng lực vận chuyển cho từng tuyến dựa trên kết quả khảo sát cụ thể; hình thành hệ thống nhà chờ hiện đại, văn minh; hình thành hệ thống giám sát - điều hành đủ mức cần thiết, đặc biệt là với những tuyến đã thực hiện đấu thầu. Cũng cần nghiên cứu chính sách trợ giá với một số nhóm hành khách, bố trí lại hệ thống điểm dừng - đỗ cho phù hợp để hạn chế những điểm dừng không cần thiết hoặc dễ gây tắc đường.
Không nâng cao chất lượng phục vụ thì dù có mở thêm nhiều tuyến, sắm thêm phương tiện, xe buýt vẫn sẽ chỉ "động đến" được những người không có điều kiện sắm và sử dụng phương tiện cá nhân mà thôi. Mà điều đó đồng nghĩa với thất bại trong nỗ lực hiện đại hóa "cây đũa thần".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.