Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiếc “cần câu” thoát nghèo

Chí Đạo - Đào Huyền| 05/02/2010 06:27

(HNM) - Làm thế nào để nông dân có thể tự làm giàu trên đồng ruộng,


Thẻ học nghề: "Cần câu" tốt…

Thực hành sửa chữa điện tử tại Trung tâm Dạy nghề Phương Nam (quận Long Biên). Ảnh: Bảo Lâm


Đa số ý kiến tại buổi giao ban đánh giá, Đề án dạy nghề LĐNT ra đời sẽ trao cho nông dân chiếc "cần câu" tốt để thoát nghèo, làm giàu trên đồng ruộng. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cách làm mới, mô hình hay được áp dụng, song số LĐ thất nghiệp vẫn khá cao. Riêng các tỉnh, TP khu vực phía Bắc, năm 2009 có 63.760 nông dân thất nghiệp sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhưng thực tế cho thấy, việc đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt với LĐ bị thu hồi đất nông nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả chưa tương xứng với nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư. Vẫn còn hiện tượng chạy theo số lượng nên chất lượng đào tạo bỏ ngỏ, khiến không ít lao động không đáp ứng yêu cầu từ phía các doanh nghiệp cần tuyển dụng.

Có ý kiến cho rằng, cần cho nông dân quyền tự quyết bằng việc trao cho họ thẻ học nghề. Có thẻ, nơi nào, trường nào đào tạo tốt thì họ tìm đến học và ngược lại. Để đạt con số 1 triệu LĐ được đào tạo một năm không thể nóng vội, gấp gáp chạy theo số lượng, hiệu quả sẽ không cao. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, giai đoạn 2010- 2011 sẽ đề xuất mô hình dạy nghề phù hợp thông qua việc thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho khoảng 8.000 LĐ thuộc 2 nhóm đối tượng với khoảng 30 nghề. 2 nhóm đối tượng được cấp thẻ là LĐNT trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và LĐNT làm dịch vụ kinh tế - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tại Hà Nội, hiện có hơn 4 triệu người sống ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng 60% lực lượng LĐ của TP. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT vẫn đang gặp khó khăn. Thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, cơ cấu đào tạo trong những năm qua vẫn tập trung vào một số lĩnh vực chính như tin học, điện tử, điện lạnh, lái xe, cơ khí (chiếm từ 50 đến 60%)... còn những ngành nghề liên quan trực tiếp đến nông nghiệp nông thôn chưa thu hút LĐ. Thời gian gần đây, TP Hà Nội liên tục mở các khóa hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho LĐNT như thêu, kỹ thuật xây dựng, sơn mài, khảm trai, kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh, quản lý trang trại... cũng thu hút được hàng nghìn LĐ. Dù vậy, phương thức đào tạo nghề cho nông dân vẫn nặng lý thuyết, còn tình trạng "cái cần không dạy, cái không cần thì dạy". Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, điểm mấu chốt quyết định sự thành công của đào tạo nghề nông thôn là đào tạo ngành nghề gì, số lượng bao nhiêu? Điều này phụ thuộc nhiều vào sự linh hoạt của từng địa phương.

Triển khai xây dựng Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, UBND TP Hà Nội đang tập trung chỉ đạo xây dựng 2 đề án Đào tạo nghề cho LĐNT và Đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể, chính quyền và công chức chuyên môn cấp xã. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình cho rằng, đề án cần dự báo đúng nhu cầu sử dụng LĐ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhu cầu học nghề và chất lượng của LĐNT.

... Nhưng "câu" ở đâu?

Dạy nghề, cấp thẻ cho người nông dân là điều kiện cần, là đã cho họ cái "cần câu" tốt. Nhưng để có nhiều "cá" thì việc chỉ "chỗ câu" có nhiều cá, tức định hướng cho họ học nghề gì có lợi cũng hết sức cần thiết. Có những ý kiến cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp và cơ sở đào tạo gặp nhau. Cơ sở đào tạo chỉ dạy nghề mà DN cần, DN phải "đặt hàng" cơ sở đào tạo… và điều này sẽ bảo đảm chắc chắn "cần câu" sẽ phát huy hiệu quả nhất, tránh lãng phí cho cả người dân và Nhà nước…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Đề án lần này có quy mô lớn nhất, hướng tới khu vực LĐNT, với số lượng đào tạo lớn và trong thời gian dài nhất; gắn đào tạo nghề với dự báo xu hướng yêu cầu của thị trường LĐ... nếu không nắm rõ nhu cầu thị trường thì việc đào tạo sẽ không hiệu quả. Các địa phương cần thống kê sơ bộ về nhu cầu đào tạo nghề ngắn hạn, ít nhất là trong năm 2010-2011; xác định rõ nhu cầu về ngành nghề, người đi học, các nhóm trình độ; hiện trạng các cơ sở đào tạo để có lộ trình nâng cấp những nơi chưa đạt yêu cầu, đồng thời tạo sự cạnh tranh. Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ LĐ-TB&XH rà soát lại mỗi vùng, cần có một tỉnh thí điểm, mỗi tỉnh có một huyện để chỉ đạo tập trung, mỗi huyện phấn đấu có một trung tâm dạy nghề kiểu mẫu, vừa đào tạo tại chỗ vừa thu hút người học từ địa phương khác. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông lên kế hoạch tuyên truyền về đề án trong tháng 3; Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp danh sách các trường trung cấp chuyên nghiệp có thể tham gia đề án cho các địa phương để tránh trùng lặp.

Hiện cả nước có khoảng 32 triệu LĐ ở khu vực nông thôn, chiếm 72,8% tổng số LĐ. Tuy nhiên, qua thống kê, tỷ lệ LĐNT qua đào tạo mới đạt khoảng 18%, chưa đáp ứng nhu cầu có việc làm cho LĐNT. Đáng nói có sự chênh lệch lớn giữa các vùng kinh tế: Đồng bằng sông Hồng gần 20%, Đồng bằng sông Cửu Long 17,9%, trong khi vùng Tây Bắc chỉ có 8,3%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiếc “cần câu” thoát nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.