(HNM) - 1. Trong 10 mùa bóng gần đây của giải bóng đá chuyên nghiệp Nam Định cùng Sông Lam Nghệ An là những đội tham dự đầy đủ nhất. Cả hai cùng nghèo nhưng tài năng, nhất là các cầu thủ trong nước, lại dồi dào do hệ thống đào tạo trẻ vận hành trơn tru.
CĐV bóng đá thành Nam từ sau mùa giải 2010 sẽ không còn hò reo thương hiệu Megastar. |
Với bóng đá thành Nam, dù không có nhiều tài năng nổi trội như Sông Lam Nghệ An nhưng cầu thủ nội luôn đáp ứng yêu cầu của các HLV, nhất là từ năm 2008 trở về trước. Bóng đá thành Nam không chỉ có duyên với các tiền đạo ngoại (từng sở hữu 2 "Vua phá lưới" Achilefu cùng Amaobi), mà luôn sản sinh ra những cầu thủ có phẩm chất thủ lĩnh bẩm sinh từ Nguyễn Văn Sỹ đến Nguyễn Trung Kiên, rồi Trọng Lộc. Xoay quanh các "thủ lĩnh" này là những cầu thủ không quá xuất sắc nhưng luôn biết cách thi đấu tròn vai, phục vụ lối chơi chung của toàn đội. Họ cùng một lò đào tạo, cùng được tập luyện, vận hành một lối chơi nên khi ghép vào tạo nên sức mạnh đáng sợ. Cũng không lạ khi nhiều cầu thủ Nam Định đến những nơi khác đều không để lại ấn tượng như khi thi đấu cho đội bóng quê hương.
2. Cũng vì vậy mà từ năm này qua năm khác, dù chưa một lần lên ngôi vương ở giải vô địch quốc gia nhưng cái tên Nam Định vẫn luôn nhận được sự tôn trọng từ các đối thủ dù đội hình không có nhiều sao. Suốt 10 năm chinh chiến tại giải bóng đá chuyên nghiệp, chỉ có một thứ khiến bóng đá Nam Định không thể cất cánh cao đến mức có thể, ấy là tiền. Thời gian đầu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, khi chưa có nhiều CLB đại gia với những mức lót tay, mức lương "khủng", chuyện này chưa lộ rõ, cầu thủ Nam Định cũng ít lý do để so bì. Nhưng khi hàng loạt doanh nghiệp mạnh nhảy vào bóng đá chuyên nghiệp, những mức lương thưởng, những phi vụ mua bán cầu thủ ngoại lẫn nội lên tới tiền tỷ như cơm bữa thì cũng là lúc điểm yếu kinh phí của Nam Định lộ ra. Nhiều cầu thủ Nam Định cũng dứt áo ra đi để đến những CLB giàu tham vọng và thực lực hơn như Phùng Văn Nhiên (tới Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Trung Kiên (tới Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn). Lúc này Nam Định ngày càng hụt hơi trong cuộc chạy đua tiền bạc và dần đối mặt với nguy cơ chảy máu cầu thủ, xuống hạng - điều không hề có trong việc tính toán những tình huống xấu nhất của lãnh đội. Điều này càng lộ rõ trong hai mùa giải gần đây mà gần nhất là việc CLB này phải dự trận tranh vé vớt với Cần Thơ mùa giải 2009, phải chia tay tới 8 cầu thủ trụ cột trong đội hình chính sau mùa giải 2009. Đấy cũng là điều bình thường khi những thay đổi về cơ chế điều hành ở đây không theo kịp sự phát triển của giải chuyên nghiệp.
3. Thiếu những cầu thủ trụ cột, việc thay thế không thể một sớm một chiều dù lứa cầu thủ U20 của Nam Định thừa tài năng. Có điều kinh nghiệm trận mạc của lứa này lại quá non nên không thể vực đội bóng đứng dậy sau cuộc chảy máu cầu thủ ồ ạt kia. Nỗi lo kinh phí được giải tỏa từ doanh nghiệp Vina Megastar nhưng lại đến quá chậm, gần ngày khai mạc giải. Thế nên đội bóng này ngày càng hụt hơi trong cuộc đua trụ hạng. Để rồi khi mùa giải 2010 chỉ còn 5 vòng đấu, nguy cơ xuống hạng đã hiển hiện, lần này rõ hơn hẳn mùa giải 2009. Sân Thiên Trường mới hôm nào còn đón cả vạn khán giả tới sân, giờ thưa thớt người xem vì quá bi quan với thành tích đội nhà. Người hâm mộ thành Nam đã dự cảm trường hợp tồi tệ nhất - xuống hạng, đến với đội nhà nên không còn động lực tới sân cổ vũ. Còn cầu thủ dù "cháy hết mình" trên sân nhưng đành "lực bất tòng tâm" vì đội không có những cầu thủ đủ bản lĩnh vực dậy cả đội, thiếu những cầu thủ ngoại giá rẻ chất lượng cao như trước đây lãnh đội may mắn có được. Có lẽ, chỉ trong chiều nay, 1-8, bóng đá Việt Nam lại phải chứng kiến một tượng đài của bóng đá thời bao cấp phải chia tay sân chơi bóng đá chuyên nghiệp khi Megastar Nam Định tới làm khách trên sân Hòa Phát - Hà Nội. Đội bóng Thủ đô cũng mới trở lại giải chuyên nghiệp đầy mạnh mẽ sau khi xuống hạng cách đây hai mùa. Điều này liệu có gợi mở gì cho các nhà lãnh đạo bóng đá Nam Định? Có khi xuống hạng lại là tốt, để nơi đây thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận với bóng đá chuyên nghiệp, để bóng đá thành Nam trở lại hạng chuyên nghiệp mà không canh cánh nỗi lo xuống hạng.
Megastar sẽ chia tay bóng đá Nam Định từ sau mùa giải 2010 Tập đoàn Megastar đã gửi công văn tới UBND tỉnh Nam Định về việc chấm dứt hợp đồng tài trợ CLB bóng đá chuyên nghiệp Nam Định. Như vậy tên Megastar sẽ không còn gắn với đội Nam Định, sau mùa giải 2010. Lý do chính của việc này là do việc bàn phương án thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Megastar Nam Định (theo hợp đồng là vào tháng 3-2010) đã không được thực hiện đúng tiến độ. Ngày 5-6-2010, Megastar đã có công văn gửi đến UBND tỉnh Nam Định và Sở VH-TT&DL tỉnh đề nghị xúc tiến việc thành lập Công ty Cổ phần (hoàn thành vào ngày 30-6-2010), tuy nhiên đến cuối tháng 7-2010, Megastar vẫn chưa nhận được hồi âm chính thức từ Nam Định. Vì vậy việc cổ phần hóa CLB Bóng đá chuyên nghiệp Nam Định không còn kịp so với thời hạn cuối tháng 8-2010 mà LĐBĐ Việt Nam đề ra. Song song đó, thành tích thi đấu mùa giải 2010 của CLB đã ảnh hưởng nặng nề tới thương hiệu Megastar. Minh An |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.