(HNMO) - Ngày 7-3, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) phối hợp tổ chức hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững.
Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo cấp quốc gia về chủ đề tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu. Hội thảo là cơ hội để trao đổi về các cách thức hỗ trợ Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, cũng như cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Sau 35 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trong quy hoạch đô thị với tốc độ đô thị hóa ở mức cao (40% năm 2022 so với 30,5% năm 2010), đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đô thị.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: Tốc độ phát triển nhanh, song lại thiếu chiến lược tổng thể và bền vững, kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực đất đai và con người, năng lực quản lý còn hạn chế. Do đó, cần xây dựng một chiến lược quy hoạch đô thị tổng thể bảo đảm hài hòa các vấn đề nêu trên nhằm hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh, chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chia sẻ, trước các thách thức trong phát triển đô thị, ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030. Ngày 11-11-2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Theo đó, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát và xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định, không một quốc gia nào có thể hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà thiếu sự đồng hành của quá trình đô thị hóa, và ngược lại. Đô thị hóa là tất yếu, khách quan. Trong bối cảnh chung của quá trình đô thị hóa đang gia tăng trên khắp thế giới, sự hợp tác chặt chẽ và đồng hành của các đối tác trên toàn cầu đã và đang trở thành một xu thế chung để cùng tiếp cận và giải quyết những thách thức của quá trình phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, Ngài Nicolas Warnery, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết: "Tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Nước Pháp luôn sẵn sàng tăng cường hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tôi tin tưởng rằng kinh nghiệm của các chuyên gia Pháp sẽ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề đang đặt ra trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh, thành của Việt Nam".
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng, Cơ quan Phát triển Pháp, Cơ quan Quy hoạch đô thị vùng đô thị Lyon (Pháp)... đã trao đổi các giải pháp giúp Việt Nam chuyển đổi từ quy hoạch tập trung sang quy hoạch chiến lược, xác định quy mô mô hình quản lý và quy hoạch phù hợp, kiểm soát chuyển đổi đất từ nông thôn sang thành thị và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Nằm ở khu vực hợp lưu của sông Rhône và sông Saône, thành phố Lyon (Pháp) giống như nhiều thành phố của Việt Nam, hiện đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng. Lyon đã áp dụng nhiều giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước các hiểm họa môi trường và tăng cường khả năng phục hồi khí hậu. Các chuyên gia đã mang đến hội thảo những kinh nghiệm đã áp dụng thành công trong quá trình phát triển đô thị bền vững tại thành phố này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.