Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ thành công

Vân An| 07/12/2015 15:24

(HNMO) - Tiếp tục chương trình, chiều 7/12, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX dành nhiều thời gian cho phần tham luận của các điển hình tiên tiến.


Gian khổ, khó khăn làm cho mỗi người thêm trưởng thành

Được coi là Nữ giáo sư toán học trẻ nhất nước, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên Trường ĐH Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên chia sẻ, tuy bố mất sớm nhưng tinh thần lạc quan của bố đã truyền cho các chị em bà một sức sống mãnh liệt. Từ bé, bà đã thích toán và theo đuổi đam mê này đến tận ngày nay. Trong suốt 4 năm đại học, được sống trong tình thương yêu của thầy cô, bạn bè, bà đã tốt nghiệp đại học loại giỏi và được giữ lại trường Đại học Thái Nguyên làm công tác giảng dạy. Sau đó, với quyết tâm học tập, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về toán học.

Năm 2001, bà đã trả lời thành công 2 câu hỏi mở của một nhà toán học Đức và công trình này đã được đăng trên một tạp chí nổi tiếng của Mỹ. Sự khởi đầu này giúp bà tự tin hơn vào năng lực bản thân, là bàn đạp để sau này, bà có hàng chục bài nghiên cứu toán học khác đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn


Ở tuổi 35, bà được công nhận là phó giáo sư, 45 tuổi được công nhận là giáo sư, cùng với đó là nhiều giải thưởng khoa học cao quý khác.

"Tôi làm toán vì đam mê từ nhỏ, thành công của tôi bắt nguồn từ đam mê nhưng cũng nhờ có những người thầy giỏi, có gia đình luôn ủng hộ, động viên và có sự trợ giúp từ nơi tôi làm việc", bà nói.

Gắn bó với ngôi trường đại học vùng miền núi suốt 25 năm qua, trăn trở của bà là cuộc sống của các nhà giáo, nhà khoa học Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, bộn bề. Nhưng bà luôn tin tưởng, gian khổ, khó khăn làm cho mỗi người thêm trưởng thành, đam mê và cống hiến mãi mãi là những phẩm chất tốt đẹp của những nhà khoa học chân chính. Bà mong muốn, nước ta có thêm nhiều hội đồng khoa học chất lượng chuyên môn cao, nhiều quỹ khuyến khích các nhà khoa học để phát triển bền vững đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước.

“Xây thành đắp lũy” bằng những viên gạch “hồng tâm”

Giáo sư Tiến sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) là Bệnh viện hạng đặc biệt được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là nơi đã thực hiện ca phẫu thuật ghép tim trên người đầu tiên do ê-kíp người Việt Nam thực hiện cũng như thực hiện thành công ca mổ cấy tim nhân tạo bán phần Heartware cho bệnh nhân suy tim phổi giai đoạn cuối.

Để phát huy vai trò của một trung tâm y tế chuyên sâu, Bệnh viện ưu tiên phát triển nguồn nhân lực y tế vươn lên ngang tầm với trình độ y học thế giới. Nhờ vào sự đầu tư nguồn nhân lực đồng bộ, bài bản và lâu dài, đến nay đội ngũ thầy thuốc, cán bộ của bệnh viện có gần 2.500 người, trong đó có 400 bác sĩ với trình độ sau đại học chiếm đến 70%, 200 cán bộ được tu nghiệp ở nước ngoài từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Hàng năm bệnh viện đón 450.000 lượt bệnh nhân khám bệnh, 95.000 bệnh nhân điều trị nội trú, phẫu thuật lên đến 27.000 ca. Bệnh viện đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực ghép tạng, như ghép thận với 250 ca thành công 100%; ghép tế bào gốc, ghép giác mạc, phẫu thuật nội soi, điều trị ung thư; hơn 1000 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm...

Bên cạnh đó, một trong những “chìa khóa“ mang lại thành công trong quá trình xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu, đó là việc huy động các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại. Trong 10 năm trở lại đây, bệnh viện đã xây dựng mới và đưa vào sử dụng các công trình hiện đại có tổng diện tích khoảng 65.000m2 cùng với trang thiết bị hiện đại đồng bộ, với tổng số tiền đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, trong đó 25% từ ngân sách nhà nước và 75% từ viện trợ không hoàn lại.

"Nhìn lại một chặng đường phát triển đã qua, tôi chỉ có thể nói rằng câu chuyện cổ tích đã thành hiện thực. Và rằng chúng tôi đã không hề ảo tưởng. Chúng tôi “xây thành đắp lũy” bằng những viên gạch của nội lực, của đạo học không ngừng nghỉ, bằng sự giúp đỡ thiết thực và hiệu quả của các cấp các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước, và đặc biệt là sự đoàn kết một lòng của cả một đội ngũ “hồng tâm”. Và cứ thế, từ những viên gạch “hồng tâm” xây nền móng, BVTW Huế - mảnh đất khoa học đã cho những lứa quả ngọt", Giáo sư Phú nói.

Giáo sư Phú nhấn mạnh, sự chăm lo cho con người bao giờ cũng là nền tảng của sự phát triển, trong đó có việc phát hiện nhân tố mới, sự khích lệ động viên khen thưởng kịp thời qua các phong trào thi đua từ những nội dung có tính nguyên tắc chung, đến những phong trào thi đua mang nét riêng, đặc thù. Nhờ vậy, đến nay sau 120 năm, trải qua bao bể dâu của lịch sử, bao thay đổi diện mạo và tên gọi, hai chữ “Nhà thương” vẫn gắn chặt với quá trình phát triển của BVTW Huế và bây giờ nó còn được gọi là “Nhà thương Anh hùng” trong lòng nhân dân.

Toàn cảnh Đại hội

Mỗi người, mỗi nhà đều làm việc tốt thì cộng đồng dân cư sẽ tốt

Chia sẻ về sự thành công trong công tác dân vận, ông Lê Quý Đáng, Đảng viên Chi bộ Tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau khi về nghỉ hưu, ông về địa phương làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ nhân dân Đồng Bàng. Trong 17 năm tham gia công tác tại chi bộ, tổ nhân dân Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, ông đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mỗi năm, ông cùng tập thể chi bộ đều bàn bạc lựa chọn những việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật thiết thực, đem lại lợi ích nhiều nhất cho nhân dân.

Một trong những thành tích nổi bật của ông trong thực hiện công tác dân vận là vận động thành công cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối hoa mầu trên đất để huyện đầu tư, mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ tổ nhân dân Tân Phú vào tổ nhân dân Đồng Bàng dài trên 2km vào năm 2011.

Để thực hiện việc khó trên trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các buổi họp dân, tôi đã duy trì nội dung triển khai, quán triệt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kết hợp đọc cho đảng viên và nhân dân nghe những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, nhất là những câu chuyện về thời gian Bác sống và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang. Sau đó ông mới triển khai chủ trương, dự toán, thiết kế về việc đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến tuyến đường để đảng viên và nhân dân cùng thảo luận, tham gia ý kiến. Qua 7 cuộc họp toàn thể nhân dân và hơn 30 cuộc tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình, ông đã được toàn bộ các hộ dân đồng tình ủng hộ, ký tên vào danh sách hiến đất, tài sản, hoa màu trên đất theo chủ trương của huyện là xã hội hóa làm đường, nhà nước và nhân dân cùng làm. Có nhiều hộ đóng góp từ 200 đến 300 m2 đất, nhiều hộ có cây ăn quả, cây lấy gỗ trồng từ 10 đến 15 năm tự chặt hạ, có hộ dịch chuyển nhà ở, tất cả 60 hộ đã giao đất cho đơn vị thi công đúng thời gian, đúng kế hoạch. Tuyến đường hoàn thành và được đưa vào sử dụng đúng dịp tết Nguyên đán năm 2012.

"Từ những việc làm trên, tôi càng thấm thía hơn lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Để việc học tập và làm theo tấm gương của Bác ngày càng trở nên sâu rộng, thường xuyên, tự thân, tự giác hơn thì mỗi cá nhân, tổ chức phải quyết tâm học, quyết tâm làm theo Bác, mỗi người, mỗi nhà đều làm việc tốt thì cộng đồng dân cư sẽ tốt. Trong khi làm phải dựa vào sức mạnh của nhân dân thì việc khó mấy cũng làm được", ông Đán chia sẻ.

Thành công từ sự làm việc khoa học, miệt mài

Bà Đỗ Thị Thúy, công nhân bậc 6/6, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định cho biết, sau khi ra trường, năm 1990, bà chính thức vào làm việc tại nhà máy Sợi – Nam Định, bắt đầu sự nghiệp của một người công nhân Nhà máy Sợi.

Là công nhân trực tiếp sản xuất, trong 25 năm qua, bà luôn rèn luyện cho mình thói quen, trước mỗi ca sản xuất thường vào sớm 20 phút để chuẩn bị trang bị bảo hộ lao động, thực hiện quy trình giao nhận ca. Bà tận dụng tối đa giờ sản xuất, trước giờ ăn cơm tôi kiểm tra và xử lý toàn bộ các máy và phân công chị em trong tổ thay nhau trông máy, sau giờ nghỉ về ngay vị trí làm việc kiểm tra và xử lý lỗi trên máy. Thói quen này đã được bà duy trì được nhiều năm nay và các đồng nghiệp trong tổ cũng hào hứng cùng thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến tổ máy Sợi con của bà luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng đồng thời cũng là tổ có thu nhập cao của nhà máy.

Bà Đỗ Thị Thúy

Bà cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật thao tác, xử lý máy của mình cho các em học sinh mới vào nghề và số chị em tay nghề chưa giỏi. Bà đặc biệt dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên cho các em cũng biết yêu ngành, yêu nghề và quyết tâm phấn đấu ngay từ đầu như mình với mong muốn nhà máy có được những lớp công nhân tiêu biểu mới giỏi hơn mình.

Trong các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo của Tập đoàn dệt may Việt Nam và công ty, lần nào bà cũng đăng ký tham gia và nhiều năm liền đạt giải nhất ở các kỳ thi tại cơ sở. Qua các phong trào thi đua, tay nghề của bà ngày một vững vàng hơn. Từ thợ bậc 2 năm 1990, do đạt kết quả cao trong các hội thi thợ giỏi cấp cơ sở và ngành Dệt May, đến năm 2000, bà đã đạt bậc 6/6, bậc cao nhất của công nhân công nghệ ngành Sợi.

Nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, nỗ lực hết mình vươn lên thoát nghèo

Chia sẻ về bí quyết sản xuất kinh doanh giỏi, ông Hà Tấn Tâm, Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ cho biết, trước đây, gia đình ông rất nghèo, thiếu thốn quanh năm. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp tích cực vận động, hỗ trợ gia đình ông về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, ông đã phát triển thành công mô hình kinh tế tổng hợp: Làm vườn, nuôi thủy sản và dịch vụ vận tải đường thủy về thức ăn nuôi cá.

Khi phong trào nuôi cá tra phường Thới An phát triển, ông đã bàn với gia đình đào ao nuôi cá, lúc đầu thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn nên thất bại. Xác định thất bại là bài học dẫn đến thành công, ông bắt đầu đi học hỏi kinh nghiệm ở các nơi, từ đó những vụ tiếp theo đạt kết quả khá tốt. Đến năm 2007, 2008 giá cá tra xuống thấp, cá khó bán ra, ông kịp thời chuyển hướng sang nuôi gia công cho Công ty Hùng Vương và tham gia quản lý các vùng nuôi của Công ty ở Bến Tre, Tiền Giang.

Với sự cố gắng làm ăn, biết tích lũy và tiết kiệm trong sinh hoạt nên dần dần ông đã có "của ăn, của để". Không dừng lại ở đó gia đình tôi tập trung nghiên cứu thị trường địa phương và lợi thế đường thủy của dòng sông Hậu và đã mạnh dạn mở dịch vụ vận tải thức ăn thủy sản gồm: 12 ghe, tổng trọng tải 1.200 tấn.

Với mô hình kinh doanh tổng hợp hiệu quả, thu nhập kinh tế gia đình ông đã đạt hơn chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 50 đến 65 lao động, tiền công 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Song song với làm kinh tế, sản xuất, ông cũng không quên đóng góp xã hội, làm từ thiện trong tỉnh như xây dựng các công trình giao thông nông thôn, làm cầu, đường,  xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương...

Từ thực tiễn sản xuất của gia đình trong những năm qua, ông Tâm cho biết, chính sự kết hợp giữa nắm bắt chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp của Nhà nước trong giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh và sự quyết tâm kiên trì, tâm huyết, chịu khó học hỏi, biết phát huy nội lực, làm giàu chính đáng của bản thân là nhân tố quyết định sự thành công.

Phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân", đồng hành cùng dân tộc

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, sau khi đất nước thống nhất, các tổ chức - hệ phái Phật giáo Việt Nam đã thống nhất trong ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội trở thành tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thống nhất về tổ chức, Giáo hội luôn chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động về Phật sự cũng như đóng góp vào quá trình đồng hành cùng dân tộc trên các mặt hoạt động mới.

Là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn thấy trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực động viên tăng, ni, phật tử Việt Nam tham gia vào nhiệm vụ chung của đất nước, của Mặt trận, thực hiện tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ hoà bình, gắn công tác tôn giáo với các công tác Mặt trận như hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đoàn kết văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 

Hòa thượng Thích Gia Quang


Trong 5 năm qua, Giáo hội đã hướng dẫn tăng ni, phật tử tham gia các hoạt động "thiện tâm công đức" như: chăm lo cho người nghèo, người có công với nước, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, xây dựng Nhà tình thương, Nhà đại đoàn kết, xây cầu, phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh đường và các phòng khám chữa bệnh từ thiện miễn phí; cứu trợ và giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ; chăm sóc, giúp đỡ những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... với số tiền lên tới hơn 2 nghìn tỷ đồng. 

Đặc biệt nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan xây dựng được một số chùa ngoài đảo Trường Sa, đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây... và một số ngôi chùa ở vùng tiền tiêu, biên giới như Trúc Lâm Tà Lùng, Trúc Lâm Bản Giốc, chùa Tân Thanh… Những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời Giáo hội đã cử một số vị sư ra đảo trụ trì phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho bà con trên đảo.

Những chiếc bánh mì là cả bầu trời tình thương của bố

Nguyễn Thế Hoàn, Học sinh lớp 12A1 Toán, Trường chuyên Khoa học tự nhiên cho biết, em sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuộc quê lúa Thái Bình, Ngay từ bé, em đã cảm nhận được sự vất cả của ba mẹ. Ba em ngày đó còn làm công việc chuyển và bốc dỡ hàng hóa cho một doanh nghiệp nhỏ. Em vẫn nhớ như in hình ảnh bố mỗi buổi chiều muộn trở về nhà với những chiếc bánh mì nhỏ chỉ vài trăm đồng cho các con. Cảm giác của một đứa bé chưa biết suy nghĩ nhiều khi nhận được món quà giản dị khi đó chỉ là sự vui mừng mà bỏ qua đi những nỗi vất vả của ba mẹ đằng sau nó.

"Thời gian dần trôi, em dần trưởng thành, lớn lên. Đã hình thành những suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống. Em dần nhận ra, chiếc bánh mì đó không phải ba em mua sau mỗi buổi chiều đi làm về. Mà đó là một phần bữa trưa của ba, ba không ăn hết mà mang về làm quà cho em ngày đó... Những chiếc bánh mì là cả bầu trời tình thương của bố", Hoàn chia sẻ.

Trước tình thương và sự vất vả của bố mẹ, Hoàn không biết làm gì hơn để giúp đỡ ba mẹ, ngoài chuyện học hành. Từ một bài báo nhắc lại về thành công của giáo sư Ngô Bảo Châu- một người con của gia đình truyền thống chuyên Toán Tổng hợp, em đã quyết tâm thi vào ngôi trường này. Trên con đường chông gai của ba năm cấp ba vất vả, em đã gặt hái được những thành công mà em gọi đó là "ngoài sức tưởng tượng": những giải Học sinh giỏi Quốc gia, những tấm Huy chương vàng tại những kì thi Olimpic Toán quốc tế... 

"Con đường phía trước sẽ gian nan hơn rất nhiều, em hiểu rất rõ điều đó. Mọi thứ sẽ thay đổi, nhưng sẽ có những thứ không bao giờ thay đổi, đó là những giọt nước mắt, những sự động viên và tình yêu thương mà ba mẹ dành cho em. Và em, với tư cách của một người con có hiếu, sẽ biến những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi vất vả đó, thành những tấm huy chương khác trong tương lai", Hoàn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.