(HNM) - Bức tranh tổng thể về tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ vừa được Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động) thực hiện trên quy mô rộng trong các cơ quan, DN tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP HCM, Tây Ninh, Trà Vinh, Cần Thơ.
Hơn 2.400 phiếu điều tra đã được gửi đến nữ công nhân, viên chức và lao động thuộc khu vực sản xuất kinh doanh ở các loại hình DN, khối hành chính sự nghiệp các cơ quan, đoàn thể. Kết quả, có 76,9% ý kiến cho rằng, LĐ nữ khối hành chính sự nghiệp nghỉ hưu ở độ tuổi 55-60 là phù hợp. Tuy nhiên, đối tượng cần tăng tuổi hưu 60, có 54% số người khi được hỏi đều cho là phù hợp với lao động nữ có trình độ chuyên môn cao như tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Còn với nữ cán bộ quản lý cấp vụ (phụ cấp chức vụ từ 0,8 trở lên) thì đa số người được hỏi (57,6%) cho rằng không nên nâng tuổi nghỉ hưu của nhóm đối tượng này. Với nữ LĐ khối hành chính sự nghiệp thì có tới 65,9% số cán bộ cấp vụ, 55,1% cán bộ cấp phòng và 61,8% LĐ nữ không đồng ý nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên bằng nam giới.
Lao động nữ làm việc tại Công ty CP dệt 10-10. Ảnh: Linh Tâm |
Ở khối sản xuất, kinh doanh, đa số người LĐ thuộc 5 ngành nghề gồm may mặc, da giày; chế biến thủy hải sản; chế biến nông lâm nghiệp; sản xuất công nghiệp, lắp ráp điện tử; giao thông vận tải, xây dựng và thương mại dịch vụ đều cho rằng chỉ 50 tuổi nghỉ hưu là phù hợp. Nếu chia theo giới thì 73,4% số LĐ nam và 73,6% số LĐ nữ muốn chị em trong khu vực sản xuất kinh doanh nghỉ hưu ở tuổi 50.
Như vậy, tính chung cả hai khu vực hành chính, sự nghiệp và sản xuất kinh doanh thì đa số ý kiến công nhân, viên chức, lao động (79,6%) muốn lao động nữ nghỉ hưu trong độ tuổi 45-55 và chỉ có 17,2% ý kiến cho rằng nên nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60.
Từ thực tế đó, Viện Công nhân và Công đoàn đã đề xuất tuổi nghỉ hưu đối với LĐ nữ cho hai khu vực riêng. Khu vực sản xuất, kinh doanh có 3 nhóm. Thứ nhất, nghỉ hưu ở độ tuổi 55 nếu làm việc trong môi trường và điều kiện làm việc bình thường; Thứ hai, nghỉ hưu từ 50-55 tuổi khi đủ 15 năm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cuối cùng, nghỉ hưu từ 47 - 50 tuổi khi có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, cần xem xét quy định cụ thể về việc giảm tuổi nghỉ hưu cho LĐ nữ thuộc hai ngành chế biến cao su và chế biến thủy, hải sản xuống 45 tuổi.
Tại khu vực hành chính sự nghiệp, nhóm nghiên cứu đề xuất nên quy định thống nhất tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ là 58 tuổi (tăng 3 tuổi so với quy định hiện hành). Ngoài ra, LĐ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 50 - 55 khi có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, công việc đặc thù. Cuối cùng, LĐ nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 47 - 50 khi có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, hoặc công việc rất đặc thù.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.