(HNM) - Thực hiện mô hình kinh doanh 3 lớp, với “chuyên biệt - khác biệt - hiệu quả”, từ cuối năm 2015 bộ phận kinh doanh dịch vụ của VNPT chính thức tách ra khỏi VNPT các tỉnh, thành phố do Tổng công ty VNPT - VinaPhone trực tiếp quản lý.
Giao dịch tại phòng bán hàng khu vực 7, Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Dù chia tách về bộ máy, nhưng mọi hoạt động giữa hai đơn vị vẫn là sự phối hợp giữa kinh doanh và kỹ thuật để cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất. Đây là "chìa khóa" thành công của VNPT tại Hà Nội. Điều này đã được lãnh đạo hai đơn vị VNPT Hà Nội và VNPT - VinaPhone Hà Nội khẳng định tại lễ vinh danh những điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh vừa được tổ chức.
Phối hợp giữa kinh doanh và kỹ thuật
Có thể nói, trong giai đoạn đầu sau khi hoạt động theo mô hình mới, việc phối hợp giữa kinh doanh và kỹ thuật chưa được nhuần nhuyễn. Song, với suy nghĩ cùng là người bưu điện xưa - nay là cùng “mái nhà chung VNPT”… thì sự “chệch choạc” này đã lập tức được chỉnh sửa, bởi lẽ chỉ có sự phối hợp, gắn kết mới có thể giúp phát triển thuê bao mới, "giữ chân" được khách hàng. Điều này đã trở thành nhận thức của đội ngũ bán hàng, kỹ thuật của VNPT tại Hà Nội.
Anh Trần Huy Đô, nhân viên kỹ thuật của Đội viễn thông Huỳnh Thúc Kháng, người đứng đầu trong danh sách cán bộ kỹ thuật giỏi được vinh danh và cũng là cá nhân đã thực hiện hỗ trợ phát triển gần 400 thuê bao/tháng. Anh Đô cho biết: “Cá nhân tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với bộ phận kinh doanh, ngoài việc bảo đảm chăm sóc khách hàng kịp thời, thì “nắm” địa bàn cũng sẽ giúp mình chủ động đề xuất đầu tư phát triển năng lực mạng tại các khu vực dự báo có khả năng phát triển lớn. Bộ phận kỹ thuật chúng tôi cũng có thể cung cấp thông tin cho đơn vị bán hàng về những khu vực hạ tầng mạng lưới mạnh, yếu trên địa bàn mình quản lý”.
Anh Nguyễn Hồng Giang, nhân viên kinh doanh thuộc Tổ kinh doanh Thường Tín - đứng đầu trong số gương điển hình kinh doanh giỏi tháng 6-2016 nhờ phát triển gần 300 thuê bao trả sau cũng chia sẻ điều tương tự. Phối hợp chặt chẽ với bộ phận kỹ thuật đã giúp anh tạo được uy tín với khách hàng - là nền tảng giúp anh phát triển thuê bao một cách bền vững.
Thống nhất trong chỉ đạo
Để mỗi cán bộ có được sự nhận thức sâu sắc đó, thời gian qua, hai đơn vị đã có những hoạt động gắn kết cụ thể. Gần đây nhất, là chương trình “Ngày Internet vàng” được tổ chức theo nhóm phối hợp kỹ thuật và kinh doanh đã cùng bán hàng vào thứ bảy hằng tuần, nhằm giải quyết ngay lập tức các đơn hàng phát sinh trong ngày đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho khách hàng. Kết quả mang lại từ sự phối hợp chặt chẽ của chương trình này đã giúp tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhận thức của người lao động trong công tác phối hợp.
Nói về sự phối hợp giữa hai bộ phận, ông Lương Cao Chí, Phó Giám đốc VNPT Hà Nội chia sẻ, để giữ vững thị phần và phát triển, trong suốt thời gian qua VNPT Hà Nội và VNPT - VinaPhone Hà Nội đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, khi mà công nghệ ngày càng hiện đại, khoảng cách về chất lượng dịch vụ đang ngày càng được rút ngắn, thậm chí ở nhiều địa bàn đối thủ sẵn sàng đầu tư mạnh tay hơn, thì chất lượng phục vụ khách hàng chính là lợi thế cạnh tranh. Do vậy, để nâng cao được chất lượng phục vụ, phối hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật và kinh doanh là một trong những nhân tố mang tính then chốt cần phải đẩy mạnh. Vì vậy, 6 tháng cuối năm nay, Tập đoàn VNPT đã nâng một số chỉ tiêu cho các đơn vị, ví dụ như chỉ tiêu lắp đặt đúng thời hạn quy định được nâng từ 98% lên 100%; ngoài ra, nhiều chỉ tiêu khác giữa kỹ thuật và kinh doanh sẽ có sự gắn kết chặt chẽ…
“Việc triển khai sản xuất, kinh doanh tại hai đơn vị có quan hệ nhân - quả với nhau, nếu không phối hợp với nhau hai bên sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nói cách khác, muốn thành công thì phải phối hợp” - Phó Giám đốc VNPT Hà Nội Lương Cao Chí nhấn mạnh.
Ngoài những quy định mới nhằm thúc đẩy hoạt động phối hợp giữa hợp tác và kinh doanh, VNPT Hà Nội và VNPT - VinaPhone Hà Nội cũng sẽ xây dựng cơ chế để tạo động lực cho người lao động trong việc phối hợp giữa kinh doanh và kỹ thuật. Đó là việc đưa vào sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin giúp cập nhật thông tin về kinh doanh và kỹ thuật, giảm thiểu tình trạng phát triển thuê bao ở những khu vực hạ tầng chưa bảo đảm, hay đầu tư hạ tầng vào những khu vực mà nhu cầu khách hàng thấp. Các công cụ công nghệ thông tin cũng sẽ giúp hai bên kiểm tra chéo việc thực hiện hợp đồng với khách hàng, hoặc nhắc nhở nhau làm đúng thời hạn để hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.