(HNM) - Liên kết luôn là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch. Thông qua hoạt động liên kết, hợp tác sẽ giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo được những tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.
Để kịp thời vực dậy ngành Du lịch sau tổn thất nghiêm trọng vì dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh chương trình kích cầu, xúc tiến du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố để đón khách du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch...
Cùng với thành phố, các câu lạc bộ doanh nghiệp, đơn vị lữ hành chủ động tổ chức những chuyến khảo sát để xây dựng chương trình du lịch kết nối; tăng cường chuỗi liên kết du lịch... Nhờ đó, nhiều sản phẩm, tour, tuyến du lịch mới đã được hình thành và ngành Du lịch Hà Nội đã khởi sắc trở lại. Tín hiệu vui là lượng khách du lịch nội địa đến Thủ đô trong quý I-2022 đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Có thể thấy, các chương trình liên kết du lịch được đẩy mạnh đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy phục hồi ngành Du lịch. Song, nhìn nhận một cách khách quan, việc liên kết vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Hà Nội cũng như các địa phương. Bởi vậy, cần có những giải pháp quyết liệt hơn, đưa du lịch Hà Nội và các địa phương lên tầm cao mới.
Hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch rất cần liên kết. Muốn việc liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các địa phương đạt hiệu quả đề ra, việc quan trọng là phải bảo đảm an toàn điểm đến cũng như cho du khách trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Song song với đó là chú trọng tới công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao khả năng phối hợp, hợp tác trong xây dựng các tour, tuyến du lịch, bảo đảm khai thác được lợi thế của từng địa phương. Các hoạt động hợp tác, liên kết du lịch cần được xây dựng thành chương trình hành động dài hơi với sự tham gia của nhiều ban, ngành, doanh nghiệp lữ hành...
Quá trình liên kết, các cơ quan quản lý cũng cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, xây dựng cơ chế chính sách, cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương tham gia liên kết; phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết, qua đó phát huy được tính độc đáo, khác biệt của từng địa phương, hình thành thêm các tour, tuyến du lịch mới tạo điểm nhấn vùng miền, thu hút, giữ chân du khách.
Trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành cần tiếp tục chủ động vượt khó, đẩy mạnh liên kết hợp tác, chủ động xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ nhau; chú trọng thiết kế tour du lịch liên tỉnh; xây dựng các sản phẩm cũng như các dịch vụ du lịch phù hợp để kết nối với các nguồn khách; đồng thời cần chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch... Sự gắn bó chặt chẽ của các doanh nghiệp trong quá trình liên kết sẽ tăng thêm sức hấp dẫn và giá trị của thương hiệu, sản phẩm, hiệu quả kinh doanh.
Tăng cường liên kết, hợp tác là "chìa khóa" để ngành Du lịch Hà Nội sớm phục hồi và phát triển, từ đó đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.