(HNM) - Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người chết do thuốc lá. Tổng số tiền tiêu tốn cho
Hiện nay, Việt Nam có nguy cơ đứng trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới... Nhân Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-5 đến ngày 31-5-2011) do Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia tổ chức, nhiều bạn đọc đã "hiến kế" hạn chế tình trạng hút thuốc lá tràn lan hiện nay.
Bà Nguyễn Tố Uyên (phường Phương Liên - Đống Đa): Cần tăng thuế thuốc lá
Theo kết quả điều tra công bố năm 2010, Việt Nam có tới 48% nam giới hút thuốc lá. Sau rất nhiều biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá được cơ quan chức năng đưa ra, tỷ lệ người hút thuốc lá của Việt Nam vẫn chưa giảm, số người sử dụng thuốc lá có chiều hướng tăng hơn trước. Theo tôi, song song với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, xử phạt... chúng ta cần tăng mức thuế đối với mặt hàng thuốc lá. Với thị phần rộng lớn của các công ty sản xuất thuốc lá hiện nay, việc tăng thuế sản xuất thuốc lá sẽ góp phần đáng kể tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, giá thuốc lá tăng sẽ "đánh" trực tiếp vào "hầu bao" của người hút thuốc, đặc biệt là người có thu nhập thấp, buộc họ phải hạn chế dần, tiến tới "cai" thuốc lá. Khi số lượng người hút thuốc giảm đi, tỷ lệ người mắc các bệnh do tác hại của thuốc lá sẽ giảm theo, tỷ lệ thuận với số tiền phải chi trả để điều trị những căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Rõ ràng, tăng mức thuế đối với ngành sản xuất thuốc lá là việc "lợi cả đôi đường".
PGS-TS Đinh Thị Thu Hương (Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai): Cần vận động người dân bỏ thói quen hút thuốc
Việc hút thuốc gây nguy cơ xơ vữa động mạch rất cao. Hiện nay, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai đang chữa trị cho nhiều bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên với biểu hiện các ngón tay, ngón chân bầm tím, sưng phù, đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ. Nguyên nhân gây tắc động mạch có rất nhiều, tuy nhiên hầu hết số bệnh nhân nói trên đều có liên quan đến thuốc lá. Vì thế, các tổ chức xã hội nên có chiến dịch vận động người dân bỏ thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, có vậy mới hạn chế được những tai biến rất đáng tiếc.
Bà Đặng Ngọc Hà (phường Định Công - Hoàng Mai): Dùng hình ảnh để cảnh báo tác hại của thuốc lá
Thật đau lòng khi một quốc gia nghèo như Việt Nam mà mỗi năm người dân dành tới 14.000 tỷ đồng cho thuốc lá. Nếu dùng số tiền này mua lương thực - thực phẩm, chắc chắn sẽ giúp cho rất nhiều gia đình thoát cảnh đói nghèo. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc hút thuốc lá, từ việc tuyên truyền, vận động đến xử phạt... nhưng ngoài số người nghiện lâu năm, mỗi năm vẫn có thêm hàng triệu người nghiện thuốc lá, đặc biệt là thanh niên mới lớn, bất chấp những cảnh báo về tác hại của thuốc lá? Theo tôi, để giảm tỷ lệ người nghiện và tử vong do thuốc lá, điều trước tiên phải chỉ cho họ thấy tác hại thực sự của thuốc lá. Để làm điều đó, thay vì dòng chữ cảnh báo đơn giản hiện nay, trên các bao thuốc phải thể hiện những hình ảnh "gây sốc" như: các khối u trong phổi, tắc nghẽn mạch máu não, răng bị sâu do hút thuốc... Những hình ảnh trực tiếp, cụ thể này sẽ đánh thẳng vào giác quan của người hút và có tác dụng ngăn cản hiệu quả hơn sự cảnh báo trực tiếp khiến những người đang hút thuốc có thêm quyết tâm, động lực để bỏ thuốc lá. Tại nhiều nước phát triển, cách thức cảnh báo này đã tỏ rõ hiệu quả giảm sức lôi cuốn của thuốc lá cả với người mới bắt đầu hoặc có ý định hút thuốc lá.
Ông Lê Văn Minh (phường Ngọc Lâm - Long Biên): Xử phạt nghiêm với người hút thuốc lá nơi công cộng
Từ đầu năm 2010, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm hút thuốc lá nơi công cộng chính thức có hiệu lực, nhưng đến nay tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. Ở công sở, bến xe, khu vui chơi, bệnh viện, nhà ga... người hút thuốc vô tư nhả khói mà không gặp bất kỳ sự nhắc nhở nào. Thuốc lá bán tràn lan trước cổng trường học, cơ quan, công viên, bệnh viện... Việc xử phạt không nghiêm nên người bán cứ bán, người hút cứ hút, chỉ khổ những người xung quanh, không hút mà vẫn "hưởng" khói thuốc. Thiết nghĩ, quan trọng nhất của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá chính là ý thức tự nguyện, tự giác của người hút thuốc. Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở... mà tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn không giảm thì việc nghiên cứu, ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là việc làm cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt nhằm xử lý nghiêm các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.