(HNM) - Theo Luật BHXH, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu được thực hiện từ ngày 1-1-2009. Cũng theo luật, người lao động (NLĐ) sau khi tham gia đủ 12 tháng nếu bị mất việc sẽ đăng ký với cơ quan lao động và sẽ được hưởng BHTN nếu đủ các điều kiện.
Người lao động cần được bảo đảm những quyền lợi nhất định khi thất nghiệp.
Ảnh: Trung Kiên
Theo thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2009, cả nước có khoảng 5,4 triệu người tham gia BHTN với tổng số tiền tham gia là 3.060 tỷ đồng. Đây có thể được coi là thành công của chính sách này trong năm đầu tiên thực hiện. Bởi theo dự kiến của cơ quan chức năng, với các điều kiện quy định trong luật, sẽ có khoảng 6 triệu người tham gia, trong đó hằng năm sẽ có khoảng 6.000 người bị mất việc làm và được hưởng BHTN.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, thực hiện chính sách BHTN, nhất là ở giai đoạn đầu phải dựa trên nguyên tắc lấy số đông bù số ít để bảo đảm an sinh xã hội. Đến hết ngày 13-1-2010, cả nước đã có 3.515 NLĐ đến đăng ký BHTN theo luật, trong đó có 592 người đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng BHTN và 398 người đã được các phòng BHTN tại các trung tâm giới thiệu việc làm xác nhận đủ điều kiện hưởng BHTN để trình giám đốc sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 14-1 do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức, nhiều vướng mắc đã được nêu ra như người sử dụng lao động gây khó khăn cho NLĐ trong việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, hoàn thiện hồ sơ. Trong khi đó, quy định trong luật thì sau 15 ngày đăng ký mất việc, NLĐ phải chốt được sổ bảo hiểm để nộp cho sở LĐ-TB&XH.
Một vướng mắc phát sinh khác là, theo quy định, NLĐ sẽ được giới thiệu việc làm sau khi đăng ký mất việc. Ngược lại, NLĐ hoàn toàn có quyền từ chối việc làm nếu có lý do chính đáng. Trong khi đó, tại Nghị định số 127/NĐ-CP ngày 12-12-2008 cũng như trong Thông tư 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22-1-2009 chưa nêu rõ được thế nào là lý do chính đáng để từ chối việc làm mà các trung tâm việc làm giới thiệu. Và để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ ban hành thông tư hướng dẫn để các trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện.
Lý giải các vấn đề trên, cơ quan BHXH Việt Nam cho rằng, đối với việc chốt sổ BHXH, do hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH cũng như BHTN, nhằm tạo điều kiện cũng như bảo đảm quyền lợi của NLĐ, cơ quan BHXH cho phép NLĐ được chốt sổ nếu chậm đóng BHXH và BHTN từ dưới 1 tháng. Đối với những trường hợp chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng, doanh nghiệp phải có cam kết sẽ nộp đủ trong thời hạn 1 tháng thì cơ quan bảo hiểm mới thực hiện chốt sổ BHXH. Lý giải việc tại tỉnh Bình Dương, nhiều NLĐ được chốt sổ bảo hiểm hơn các địa phương khác, đại diện cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, đó là do Bình Dương đã vận dụng đúng chính sách theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, chốt các khoản tham gia bảo hiểm của NLĐ theo mẫu tờ rời. Theo đó, NLĐ được cơ quan bảo hiểm chứng nhận đã tham gia đầy đủ các chế độ của cơ quan bảo hiểm để nộp lại cho cơ quan lao động. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành phố khác khiến người lao động cảm thấy khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký mất việc.
Về vấn đề "lý do chính đáng từ chối việc làm" do các trung tâm giới thiệu việc làm đưa ra, đại diện Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc làm được coi là hợp lệ khi đó là công việc phù hợp với chuyên môn, hoặc những việc mà NLĐ đã làm trước đó và có mức lương ít nhất là bằng lương tối thiểu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn rất nhiều lý do chính đáng để NLĐ từ chối việc làm được giới thiệu chưa được cơ quan chức năng đề cập như địa điểm làm việc quá xa và không tương xứng với mức lương được hưởng; chưa tính đến yếu tố người khuyết tật… Theo Cục Việc làm, những vấn đề này cũng như những phát sinh tiếp theo sẽ được bổ sung trong thông tư hướng dẫn tới đây nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho NLĐ.