(HNMO) – Sáng 22/10, thảo luận tổ về báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2010, phương hướng, nhiệm vụ năm 2011, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm tới việc đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Đặng Văn Khanh đồng tình cao với báo cáo Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình KT-XH năm 2010, phương hướng năm 2011. Tuy nhiên, điều khiến đại biểu Khanh quan tâm là QH nên nghiên cứu để yêu cầu Chính phủ đưa ra những chỉ tiêu KTXH sát thực tế xã hội, tác động tích cực đến điều hành của Chính phủ và mang lại hiệu quả cho xã hội.
“Nhiều khi tôi có cảm giác những chỉ tiêu này không có hồn, không có sức sống”, đại biểu Khanh nói.
Đại biểu Khanh cũng đề nghị, cần đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, nhất là vài năm gần đây, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu trong việc để xảy ra những yếu kém trong chỉ đạo, điều hành.
Đại biểu Chu Sơn Hà cũng đồng tình cho rằng, việc chỉ đạo của Chính phủ thời gian qua còn thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Ông đơn cử việc chậm ban hành các nghị định, văn bản quản lý ở cấp vĩ mô giữa các bộ, ngành; những bức xúc cử tri cũng chưa được phối hợp giải quyết tốt…
Nhất trí với quan điểm của đại biểu Khanh, đại biểu Nguyễn Đức Nhanh cho rằng, Chính phủ nên điều chỉnh và xem xét lại tất cả những chỉ tiêu đề ra để đảm bảo thực hiện được, chú ý tới những chỉ tiêu liên quan đến việc giải quyết những bức xúc của xã hội như môi trường sống, ô nhiễm, rác thải… Theo ông, trong năm 2011, Chính phủ nên quan tâm nhiều cho các chỉ tiêu văn hóa, giáo dục, y tế.
Đại biểu Nhanh hoanh nghênh việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã giúp đưa đất nước tăng trưởng, thoát khỏi suy thoái nhưng ông cũng đề nghị, cần có đánh giá rõ ràng, quy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong việc để xảy ra những hệ lụy từ công tác điều hành, chỉ đạo.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các kế hoạch kinh tế, xã hội, nhưng đại biểu Phạm Thị Loan cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét, giải quyết những bất cập như giữa thành thị và nông thôn; kinh tế vĩ mô phát triển chưa bền vững, nhập siêu ngày càng tăng, 5 năm nay những chính sách tăng cường sản xuất trong nước và giảm nhập siêu không cụ thể, các chính sách khuyến khích DN giảm nhập khẩu hầu như bị cắt giảm …
“Giảm nhập siêu phải tính đến sản xuất trong nước và những lợi thế của đất nước”, đại biểu Loan nói.
Bàn về các chỉ tiêu phát triển KTXH, đại biểu Loan đề nghị, cần có đánh giá lại chất lượng các chỉ tiêu này. Ví dụ, GDP năm 2010 của Việt Nam tăng trưởng vượt kế hoạch, nhưng mức tăng trưởng này tập trung ở những lĩnh vực nào (nhà đất, chứng khoán…), có phải là những lĩnh vực mũi nhọn không, những lĩnh vực mà đất nước cần phát triển thì có tăng trưởng hay không…
Đại biểu Loan cũng đề nghị, Chính phủ phải xác định rõ vai trò của các DN nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.
“Chúng ta xác định kinh tế Nhà nước là chủ đạo nhưng lại đang loay hoay trong việc xác định vai trò của DN nhà nước. DN nhà nước nên là định hướng nền kinh tế chứ không nên là lực lượng chủ đạo của nền kinh tế, vai trò này nên dành cho các DN ngoài quốc doanh”, đại biểu Loan đề nghị.
Theo chương trình, chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.