(HNM) - Đó là thực trạng khiến các cơ quan chức năng phải tìm cách giải quyết khi nhiều lao động trong diện trợ cấp thất nghiệp không muốn học nghề dù trình độ tay nghề của họ còn khiêm tốn.
Chính sách trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực hiện từ ngày 1-1-2009 là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đã bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng LĐ. Mục tiêu chính sách hướng đến là những giải pháp nhằm đưa NLĐ sớm trở lại thị trường LĐ. Một trong những giải pháp đó là hỗ trợ NLĐ học nghề và tìm việc làm. Tuy nhiên, NLĐ đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Hà Nội, phần lớn đều không muốn học nghề mà chỉ có nguyện vọng duy nhất là tự tìm việc làm. Chị Vũ Thị Phương Nga, nhân viên marketing ngành giải khát bộc bạch: "Tôi xin nghỉ việc vì thấy không còn phù hợp. Gần 40 tuổi, có gia đình, có con nhỏ, bao nhiêu thứ phải lo toan, đi học nghề, tiền hỗ trợ 300.000 đồng không đủ chi trả học phí, chưa kể các chi phí thuê nhà, sinh hoạt… Nếu không nhanh chóng tìm việc mới, cả nhà sẽ đói".
Theo số liệu của Trung tâm GTVL Hà Nội, quý I-2012, tỉ lệ đăng ký thất nghiệp cao nhất rơi vào độ tuổi 25-40. Trong 3.452 người nộp hồ sơ xin hưởng BHTN, chỉ có 177 người đăng ký học nghề. Tháng 4, trong 2.657 người nộp hồ sơ hưởng BHTN chỉ có 60 người đăng ký học nghề. Trước đó, năm 2011, 18.431 LĐ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chỉ có 351 người học. Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm GTVL Hà Nội cho biết các nghề được học viên đăng ký học tập trung vào nghề kế toán, nấu ăn, vi tính… Trung tâm đã giới thiệu được hơn 20 người có việc làm. Ông Chính cho rằng: "Trung tâm thừa năng lực mở các lớp học nghề. Tuy nhiên, số NLĐ đến học vẫn còn ít bởi phần lớn đều nôn nóng quay trở lại thị trường LĐ. Hơn nữa, quy định trợ cấp học nghề không quá 300.000 đồng/tháng là quá thấp trong thời buổi lạm phát. Chẳng hạn, muốn học sửa xe thì phải thực hành, trong khi giá xăng cao hay tiền mua nguyên liệu học nghề nấu ăn cũng vô cùng đắt đỏ. Có nhiều nghề học phí cao như lái xe, NLĐ phải đóng thêm vài triệu mới đủ tiền học. Với mức hỗ trợ như hiện nay, khó có thể khuyến khích NLĐ đăng ký học nghề".
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận chi phí cho việc đào tạo nghề thấp. Tại các địa phương, các sở LĐ-TB&XH địa phương và các trung tâm GTVL đều tạo điều kiện cho những người có nhu cầu học nghề ở mức cao nhất, nhưng vẫn ít người đăng ký học. "Những người thất nghiệp hầu hết là lao động phổ thông, họ không có tiền chi cho học nghề nên rất cần tìm việc để trang trải cuộc sống. Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 127 về BHTN, trong đó có đề nghị tăng tiền hỗ trợ học nghề cho NLĐ" - ông Trung nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.