(HNM) - Người Xây Dựng có hàng xóm tên Tuấn (ở Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh), tuy gia cảnh còn khó khăn nhưng cũng cố vay mượn, vừa tổ chức cưới cho cậu con cả. Chiều tối, công việc hoàn tất, ông Tuấn giục vợ bê hòm tiền mừng ra kiểm đếm... Xong xuôi đâu đấy, bà Lan (vợ ông Tuấn) bảo:
- Ông ơi, khéo lỗ to rồi!
- Cả thảy bao nhiêu mà lỗ mới chẳng lãi?
- Thì đây, kể cả tiền mừng lặt vặt người ta đưa trực tiếp từ mấy hôm trước, tất tật chỉ có hơn bảy nhăm triệu, mà chi cả thảy những một trăm bốn mươi triệu. Như thế chả lỗ to hay sao...
- Thì bà chấp nhận đi, kêu ca cái nỗi gì nữa! Tôi đã gàn, đã bảo từ đầu rồi là chỉ nên làm tiệc cưới đơn giản cho đỡ tốn kém, bà không nghe cứ nằng nặc đòi tổ chức cưới linh đình để đẹp mặt với thiên hạ...
- Thì tôi cũng tính toán cả rồi đấy chứ, nếu có lỗ thì cũng chỉ tí ti thôi, ai ngờ thiếu nhiều thế!
Mới đầu chỉ là vài câu trách móc của ông Tuấn, sau đó hai ông bà cãi nhau to mà nguyên nhân chính vẫn quẩn quanh cái chuyện tiền mừng cưới...
Nghe bố mẹ to tiếng, đôi vợ chồng trẻ đang nghỉ buồng trong vô cùng áy náy. Đêm tân hôn của họ đã không được hạnh phúc trọn vẹn vì nỗi ám ảnh về số nợ phải lo trả nay mai...
Chuyện "con gà tức nhau tiếng gáy", cố gắng vay mượn vượt quá khả năng của mình, để tổ chức đám cưới với cỗ bàn tiệc tùng linh đình, dẫn tới nợ nần là thực trạng hiện còn khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Giá như bà Lan nghe lời khuyên của chồng, thì đã ấm êm cửa nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.