Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Hà Nội tăng 7 bậc

L.H| 23/02/2012 13:23

(HNMO) - Sáng 23/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) đã phối hợp tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 và Khảo sát Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (PCI – FDI) 2011.


Theo Bảng xếp hạng PCI năm 2011, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 36, mặc dù đã tăng 7 bậc từ vị trí 43 của năm 2010, nhưng mức tăng này không lớn và tạo sự đột phá, dù thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đáng chú ý nhất trong Bảng xếp hạng lần này là Lào Cai và Bắc Ninh đã “lội ngược dòng” để thay thế Đà Nẵng và Bình Dương - hai địa phương nằm ở vị trí cao nhất của các năm trước để đứng đầu trong Bảng xếp hạng PCI 2011.

Theo nhóm nghiên cứu, sự gia tăng thứ hạng của hai địa phương này không nằm ngoài dự kiến, vì cả hai đều chưa bao giờ xếp dưới vị trí 20 và đã dành nhiều công sức trong việc cải thiện công tác điều hành, nhờ đó điểm số PCI của họ tăng đều đặn qua các năm.

Trong khi đó, Bình Dương bị giảm điểm trong chỉ số tính năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm số của Đà Nẵng sụt giảm mạnh trong các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Nhóm nghiên cứu PCI cho biết thêm, điểm PCI 2011 có trọng số của tỉnh trung vị là 59,15, tăng gần 1 điểm so với năm 2009 và 2010. Bên cạnh đó, là sự thu hẹp khoảng cách điểm số PCI giữa các tỉnh khi các tỉnh có xếp hạng thấp hơn đã có bước nhảy vọt trong cải thiện chất lượng điều hành. Chất lượng điều hành của các địa phương đã có sự cải thiện so với 2 năm trước. Điểm số gia tăng đã phản ánh cam kết không ngừng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của hầu hết các địa phương.


Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi cục hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan Hà Nội).


Phí “lót tay” của DN đã giảm nhưng lại bị tăng phí “hoa hồng”


Điểm đặc biệt trong Chỉ số PCI 2011 cho thấy tình trạng doanh nghiệp phải bỏ ra một số tiền để “lót tay” cho cán bộ cơ quan hành chính địa phương đã có sự cải thiện. Năm 2006, 70% doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành phải trả chi phí không chính thức, trong khi đó, tình trạng này năm 2011 đã giảm xuống 52%. Tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% tổng thu nhập để chi trả chi phí không chính thức cũng đã giảm từ 13% năm 2006 xuống còn 7% năm 2011. Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp khá phổ biến cũng đã giảm xuống mức 40% so với năm 2006 sau khi vọt lên mức cao nhất 51% vào năm 2009.

Tuy nhiên, phí “bôi trơn” với với số lượng tiền lớn dường như lại gia tăng theo thời gian (như hành vi “lại quả” khi ký kết hợp đồng mua sắm công hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở). 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước khẳng định việc chi trả hoa hồng là phổ biến, so với mức 41% của năm trước (2010).

Các lãnh đạo tỉnh bị giảm tính năng động

Theo nhóm nghiên cứu, tính năng động có sự sụt giảm lớn nhất trong điều tra PCI năm nay, đặc biệt tại các tỉnh đứng đầu. Năm 2006, 75% doanh nghiệp tham gia ở tỉnh trung vị cho rằng lãnh đạo tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân. Con số này đã liên tục giảm qua các năm và hiện nay dừng ở con số 65%. Tương tự, 62% doanh nghiệp cho biết khi quy định của Trung ương chưa rõ ràng, lãnh đạo tỉnh rất năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Năm 2007, chỉ có 47% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị đồng ý với nhận định này. Thậm chí số doanh nghiệp này cho rằng lãnh đạo tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân cũng giảm 8% so với mức cao nhất là 53% trong năm 2008.

Ngoài ra, kết quả khảo sát PCI 2011 cũng cho thấy, so với những năm trước thì cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều kém lạc quan hơn nhiều về triển vọng kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Hà Nội tăng 7 bậc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.