(HNMO) - Báo cáo chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2015 (SIPAS 2015) vừa công bố rất được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, các kết quả khảo sát cho thấy sự cần thiết phải cải cách hành chính để nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng người dân…
Báo cáo này do Bộ Nội vụ chủ trì và được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực trách nhiệm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng các địa phương, các cơ quan liên quan. Được biết, các số liệu công bố trong SIPAS 2015 là các thủ tục hành chính đã giải quyết và nhận kết quả từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/6/2015 tại 10 địa phương, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian thực hiện khảo sát từ ngày 29/9/2015 đến ngày 13/10/2015. Phạm vi của đợt khảo sát thu thập số liệu này được tiến hành trên 6 thủ tục hành chính (TTHC), gồm: Cấp Giấy chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng nhà ở, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh và Chứng thực.
Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính năm 2015 được đánh giá theo 4 tiêu chí: Tiếp cận dịch vụ là đánh giá về chất lượng cung cấp thông tin, sự thuận tiện và sự hài lòng đối với thông tin về dịch vụ…; thủ tục hành chính là đánh giá về sự công khai minh bạch, độ thuận tiện và sự hài lòng về dịch vụ…; sự phục vụ của công chức là đánh giá về thái độ, năng lực giải quyết công việc của công chức..; kết quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước như là thời gian, chi phí, việc tiếp nhận xử lý…
Riêng đối với Hà Nội, khảo sát được thực hiện trên 5 huyện (3 thủ tục hành chính) và 15 xã (3 thủ tục hành chính). Số phiếu khảo sát thu về tại các địa phương của Hà Nội cũng không cao, tính bình quân trên cả 6 thủ tục là 75,43%.
Kết quả khảo sát trên tất cả các địa phương cho thấy, trong số những người được hỏi, số người hài lòng chiếm từ 73,7% đến 86,1% ở cả 6 thủ tục được khảo sát. Đáng chú ý là Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được người dân ít hài lòng nhất.
Cụ thể, chỉ số tiếp cận dịch vụ của người dân với lĩnh vực và chỉ số hài lòng về chất lượng thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 73% số người được hỏi, chỉ số hài lòng về thái độ của công chức đạt 74%. Cùng lĩnh vực nhà đất, các thủ tục về cấp giấy phép xây dựng cũng được người dân đánh giá không cao.
Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ và chỉ số hài lòng về chất lượng thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng chỉ đạt 76%, chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cán bộ công chức lĩnh vực này đạt 75%. Còn các thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn và chứng thực có tỷ lệ hài lòng về thủ tục hành chính cao nhất là 88%, cấp giấy khai sinh đạt 86%.
Chưa bàn về độ tin cậy của kết quả khảo sát nhưng qua kết quả này cũng cho thấy các địa phương cần phải có sự quan tâm cải cách các thủ tục hành chính như: Vấn đề cung cấp thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực trình độ công chức…
Thực tế cũng cho thấy việc điều tra khảo sát chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là việc làm cần thiết, có ý nghĩa. Đây là thước đo sự phục vụ người dân của cơ quan hành chính, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước. Kết quả này phản ảnh nguyện vọng của người dân với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính và sẽ nâng cao nhận thức thực thi pháp luật, thái độ phục vụ người dân của đội ngũ công chức ở cơ sở.
Đối với Hà Nội, kết quả Báo cáo SIPAS 2015 là kênh tham khảo quan trọng để Thành ủy Hà Nội quyết tâm lãnh đạo thực hiện chương trình "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2016-2020". Đây là một trong 6 chương trình vừa được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2015-2020 thông qua.
Để xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, đòi hỏi Hà Nội phải vượt qua rất nhiều thách thức, trong đó là việc làm sao nâng cao được năng lực đội ngũ công chức và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thủ tục hành chính. Chỉ có như vậy các thủ tục hành chính mới hướng tới tính công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ TTHC…
Trước mắt, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu từ nay đến cuối năm 2016, tất cả cơ quan, đơn vị phải công khai, minh bạch quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan, đơn vị; quy trình giải quyết công việc với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đến cuối năm 2017, các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã cung cấp 40-50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; đến năm 2020 tăng lên đến 70-80%.
Đến năm 2018, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết TTHC đạt hơn 80%…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.