(HNMO) – Chiều 29/5, thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích những hạn chế của công tác lập dự toán, thanh, kiểm tra việc thu, chi ngân sách.
Theo đại biểu Danh Út - Kiên Giang, về cơ bản, báo cáo quyết toán ngân sách năm 2012 đã đủ điều kiện phê chuẩn. Tuy nhiên, quyết toán vẫn cho thấy nhiều khoản thu đạt thấp so với kế hoạch, thất thu ngân sách còn nhiều, tình trạng trốn thuế, gian lận thuế vẫn còn khá phổ biến, hiện tượng sai mục đích trong chi thường xuyên vẫn chưa được khắc phục.
“Trong điều kiện thu ngân sách thấp thì chi ngân sách ở hầu hết các địa phương lại vượt dự toán, có địa phương vượt tới 30% đã làm giảm tính hiệu quả của sử dụng ngân sách Nhà nước”, đại biểu Danh Út nhận xét.
Góp ý khắc phục tình trạng tái diễn việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sắp tới sửa luật ngân sách nhà nước, xây dựng luật chính quyền địa phương, thể chế hiến pháp về tài chính công thì phải thay đổi trong cách lập, quyết toán ngân sách.
Theo đại biểu Lịch, tồn tại trong cơ chế ngân sách hiện tại là ngân sách nhà nước lồng ghép giữa trung ương và địa phương, không có sự minh bạch, không làm rõ thế nào là ngân sách địa phương, thế nào là ngân sách nhà nước nên rất khó trong việc quy trách nhiệm, giám sát đồng tiền. Cơ chế này cũng khiến mỗi năm các địa phương lập ngân sách thấp để vượt thu và xin thưởng. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện cơ chế ngân sách mềm, cứ vượt thu là được vượt chi nên đã làm suy yếu kỷ cương năm tài khóa; quy trình lập ngân sách để chuẩn chi cũng đang bị bỏ mặc, cơ chế giám sát không rõ ràng…
“Chúng ta phải sửa đổi và ban hành các luật thật chặt chẽ để Quốc hội thực sự là cơ quan quyết định việc kiếm tiền và tiêu tiền, không phải cơ quan nào khác”, đại biểu Lịch nói.
Chung quan điểm, đại biểu Lê Nam – Thanh Hóa nhận xét: “Có hiện tượng là chúng ta đang trọng về chứng lý hồ sơ hơn hiệu quả quản lý ngân sách, chưa có đổi mới quyết liệt về đổi mới thể chế tài chính”.
Đại biểu Nam đề nghị, Quốc hội phải xem xét lại việc giao kế hoạch ngân sách hàng năm, không thể để tái diễn hiện tượng năm nào từ trung ương đến địa phương cũng đều giao tăng và cuối năm các đơn vị đều “hoan hỉ” vì hoàn thành kế hoạch, bởi điều này chứng tỏ khả năng quản lý nguồn thu của chúng ta có vấn đề.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về những hạn chế trong hạch toán nguồn thu, mua sắm xe công, việc giải ngân cho lĩnh vực khoa học xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; chi thưởng, chi tặng quà…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.