(HNM) - Văn bản quy phạm pháp luật có vai trò quan trọng, không chỉ quy định các giá trị cơ bản của xã hội, đưa ra các biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật, đem lại ổn định trật tự mà còn bảo đảm cho xã hội phát triển. Thế nhưng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thời gian gần đây có không ít vấn đề.
Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn của Quốc hội đã có không ít ý kiến gay gắt về những văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật, đi ngược với tinh thần thượng tôn pháp luật và thiếu tính thực tế, nhưng vì sao những văn bản như vậy vẫn được các cơ quan soạn thảo đưa ra? Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng chỉ là một trong rất nhiều ví dụ.
Với quy định cho rằng, sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng... Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã làm "nóng" dư luận tuần qua. Có rất nhiều ý kiến khác nhau, đại để như: Sai phạm trong xây dựng công trình, dự án như "chuyện thường ngày...", không lẽ cứ "khoanh tay đứng nhìn", do vậy, thà phạt còn hơn không. Hoặc giả, "phạt để tồn tại" dù sao cũng đỡ gây lãng phí, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân... Thế nhưng đa số ý kiến cho rằng: Đã là quy định, luật định, không thể nhượng bộ bởi khi đã "nới lỏng", "tháo khoán"... sẽ dẫn đến hiện tượng "nhờn luật". Có chuyên gia trong lĩnh vực này đặt câu hỏi: Đành rằng đây cũng là một cách sửa sai của các nhà quản lý, nhưng nếu sửa sai mà lại mở đường cho sai phạm thì đặt vấn đề ra để làm gì?
Diện mạo Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố khác chưa đẹp có nguyên nhân từ công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng ở nơi này nơi kia còn bị buông lỏng; kỷ cương đô thị chưa nghiêm (cả trong ý thức chấp hành pháp luật của người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương). Nếu như lãnh đạo thành phố không kiên quyết chấn chỉnh kỷ cương, không kiên quyết "phạt ngọn" một số công trình sai phép, chắc chắn quy hoạch đô thị sẽ bị "băm nát", Hà Nội sẽ không còn là Hà Nội hôm nay. Thực tế công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị ở Hà Nội cho thấy, việc "phạt để tồn tại" sẽ mang lại nhiều hệ lụy. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã chính thức lên tiếng: Trong trường hợp xét thấy còn có các quy định chưa thực sự phù hợp, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02 cho phù hợp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cũng như tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng...
"Số phận" của Thông tư số 02 thế nào, được sửa đổi ra sao sẽ "hạ hồi phân giải" bởi các nhà soạn thảo cần tiếp tục có thời gian để lắng nghe và chỉnh sửa. Thế nhưng, điều đáng nói là những văn bản như "trên mây" (kiểu Thông tư 02) không phải là hiện tượng đặc biệt. Cách đây chưa lâu, báo giới đã tốn không ít giấy mực về những quy định đại loại như: Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa được cộng điểm ưu tiên khi thi đại học; phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ; yêu cầu đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân; hay như tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa kết thúc, đã phê bình Tòa án nhân dân tối cao về dự thảo pháp lệnh xử phạt hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng... Thực tế có rất nhiều văn bản vừa dự thảo, đưa ra lấy ý kiến đã bị dư luận phản ứng bởi không mang tính khả thi (như đã nêu trên) hoặc có quá nhiều "lỗ hổng" là những "mảnh đất vàng" phát sinh mầm mống tiêu cực, lợi ích nhóm. Cũng có văn bản mới ban hành đã bị "chết yểu", hoặc đi vào thực tế đời sống một thời gian rất ngắn đã bộc lộ bất cập, phải sửa đổi, thay thế... Một câu hỏi cần đặt ra là: Vì sao lại có những văn bản thiếu tính khả thi ngay từ khi vừa mới ban hành, thậm chí phải dừng lại ở ý tưởng thăm dò dư luận?
Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật (kể cả các loại văn bản hướng dẫn) đều phải bảo đảm yêu cầu về trình tự, thủ tục, về thẩm quyền ban hành, về tính hợp pháp và khả thi... Vậy mà, trong 10 năm, từ 2003 đến 2013, các cơ quan kiểm tra văn bản phát hiện hơn 50.000 văn bản sai trái, trong khoảng 1,7 triệu văn bản được tiếp nhận, kiểm tra. Riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đã phát hiện hơn 4.800 văn bản sai phạm trong 27.000 văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra và xử lý... Từ con số nêu trên, có thể đặt câu hỏi: Trong số văn bản "sai trái" ấy, có bao nhiêu văn bản làm khổ người dân, doanh nghiệp; bao nhiêu văn bản hời hợt không gắn với thực tế đời sống xã hội?
Cho đến thời điểm hiện tại, không thể và cũng chưa ai "lượng hóa" được chính xác những thiệt hại do các văn bản "trời ơi" gây ra đối với xã hội, nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì đã được đề cập rất nhiều và cũng nhiều lần làm "nóng" các diễn đàn Quốc hội. Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực này thì hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở ta nói chung vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, các nhà soạn thảo chưa coi trọng vấn đề nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, nên trong quá trình làm việc đã đưa ra nhiều quy định không sát với đời sống xã hội, không phù hợp với thực tế. Thêm nữa, vấn đề thuộc bộ, ngành nào thì văn bản pháp quy sẽ do bộ, ngành đó soạn thảo, nên nội dung không khắc phục được tình trạng cục bộ, chưa kể văn bản của bộ này trùng lắp hoặc "đá chéo" văn bản của bộ khác. Trong khi đó lại chưa có cơ chế phản biện khách quan. Một vấn đề nữa, theo quy định hiện hành các văn bản pháp quy trước khi được trình cấp có thẩm quyền ký ban hành phải xin ý kiến các cơ quan có liên quan, nhưng vì không có quy định và chế tài ràng buộc trách nhiệm nên nhiều khi việc này được chuyển cho chỉ một chuyên viên thực hiện, vì thế nhiều bản góp ý chỉ ở mức đề nghị sửa câu chữ, lỗi chính tả...
Những bất cập nêu trên đáng buồn là lại rất phổ biến. Tuy nhiên cũng còn có nhiều nguyên nhân khác, một vị đại biểu Quốc hội nhận định: Có lẽ nguyên nhân rõ ràng nhất là sự thiếu trách nhiệm hay nói cách khác là sự dễ dãi, hời hợt của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó là năng lực hạn chế, thiếu chế tài trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm bồi thường do sai phạm không nghiêm của một số cán bộ công chức chịu trách nhiệm tham mưu, soạn thảo, thẩm định văn bản... Và có một thực tế, theo vị đại biểu Quốc hội này, là: Hàng chục năm qua, chưa có một cán bộ lãnh đạo hay một công chức nhà nước nào bị giáng chức, buộc thôi việc hay bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định, ban hành văn bản sai trái... Mà hệ lụy là những tác động tiêu cực do văn bản sai trái gây ra khiến cả xã hội đang nai lưng gánh chịu.
Thực tế cho thấy những văn bản quy phạm pháp luật (đặc biệt là những quy định bất hợp lý) dù mới chỉ là dự thảo cũng đã gây ra những "làn sóng" tâm lý bất ổn trong đời sống xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân và công việc của doanh nghiệp. Bởi, người dân và doanh nghiệp thường đón đầu những động thái, xu hướng thay đổi chính sách để điều chỉnh kế hoạch tiêu dùng hay định hướng sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc xây dựng và đưa ra những quy định mang tính quy phạm pháp luật (dù chỉ là dự thảo, lấy ý kiến) cần hết sức cẩn trọng, khoa học để giảm thiểu, loại trừ những hệ lụy có thể xảy ra đối với xã hội; đồng thời tránh gây lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Có ý kiến cho rằng: Bên cạnh việc tăng cường giám sát chấp hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các cơ chế khách quan hơn trong thẩm định... với trường hợp đề xuất, thẩm định, ban hành văn bản thiếu tính khả thi, tác động tiêu cực, gây nhiễu loạn trong đời sống xã hội thì không chỉ dừng ở việc nhắc nhở, phê bình hay điều chỉnh, thu hồi mà cần phải có các chế tài và biện pháp xử lý nghiêm khắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.