(HNM) -
Mất tích, bỏ luôn trách nhiệm
Nhận được đơn khiếu nại của bạn đọc, phóng viên đã đến Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Ba Đình tìm hiểu. Theo thông tin được cung cấp, Trung tâm tư vấn luật Thành Đạt (thuộc Trung ương Liên minh HTX Việt Nam) đăng ký tham gia BHXH tại BHXH Ba Đình từ tháng 1 - 2005. Theo quy định về việc đóng bảo hiểm, tùy theo mức lương, người lao động (NLĐ) sẽ phải đóng 6% tiền bảo hiểm (trong đó có 5% BHXH, 1% BHYT), còn chủ sử dụng lao động đóng 17% (15% BHXH, 2% BHYT). Trong danh sách nhân viên đăng ký tham gia tại BHXH Ba Đình, ông Vương Tiến Toàn nằm trong danh sách bổ sung, tham gia đóng BHXH từ tháng 11-2006.
Trả lời về việc đóng BHXH của Trung tâm tư vấn luật Thành Đạt, bà Nguyễn Minh Hiền - Phó Giám đốc BHXH Ba Đình cho biết: Đơn vị này thường xuyên nợ đọng tiền đóng BHXH. Mặc dù hằng tháng BHXH Ba Đình đều có thông báo "đốc" nợ, song tới tận cuối năm 2008, đơn vị này mới đến đóng với tổng số tiền là 33.676.730 đồng. Sau đó, việc dây dưa nợ đọng tiền đóng BHXH lại tái diễn. Sau nhiều lần thông báo "đốc" nợ, năm 2009 BHXH Ba Đình đã phối hợp với Phòng Lao động quận đi kiểm tra thì thấy trung tâm này đã "mất tích", không còn ở địa chỉ đăng ký. Vì vậy, từ tháng 7- 2009 BHXH Ba Đình đã đơn phương ngừng giao dịch BHXH với Trung tâm tư vấn luật Thành Đạt.
Tham gia đóng BHXH từ tháng 11-2006 cho đến tháng 7-2009, như vậy ông Toàn đã có 31 tháng làm việc tại Trung tâm tư vấn luật Thành Đạt và được tham gia đóng BHXH. Tuy nhiên, chủ sử dụng lao động ở đây là Trung tâm tư vấn luật Thành Đạt mới chỉ đóng BHXH cho ông Toàn 24 tháng. Ngoài việc không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho nhân viên của mình, ông Toàn cũng như các nhân viên ở đây đã bị trung tâm "chiếm dụng" số tiền đóng BHXH của mình (trích từ lương theo quy định). Việc làm của Trung tâm tư vấn luật Thành Đạt không chỉ vi phạm các quy định về pháp luật mà còn gây thiệt thòi lớn cho NLĐ. Không riêng trường hợp này, theo thống kê của BHXH Ba Đình, trên địa bàn quận hiện có khoảng 600-700 đơn vị "mất tích", nợ đọng tiền BHXH.
Ông Trần Văn Hoan - Trưởng phòng Thu (BHXH thành phố Hà Nội): Về trường hợp ông Vương Tiến Toàn, Trung tâm tư vấn luật Thành Đạt đóng BHXH đến tháng 12-2008, nếu ông Toàn có đơn, chúng tôi sẽ kiểm tra và "chốt sổ" cho ông đến thời điểm đơn vị đóng. Còn việc ông Toàn muốn tự đóng thêm đến tận tháng 7-2009 thì không được vì chưa có quy định trong luật. |
Người lao động đang chịu thiệt
Theo thống kê chưa đầy đủ từ BHXH TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 2.000 đơn vị mất tích. Nợ BHXH của các doanh nghiệp trong năm 2013 là hơn 1.000 tỷ, tương đương 6,1% (giảm 1% so với năm 2012). Cũng trong năm 2013, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện khởi kiện 134 đơn vị ra tòa. Đây là những đơn vị nợ đọng BHXH từ 12 tháng trở lên, sau khi đã có thông báo đôn đốc nhưng vẫn không thực hiện đóng BHXH theo luật định. Các đơn vị nợ đọng tiền BHXH lớn chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp xây dựng, giao thông, cầu đường…
Về việc NLĐ được đề nghị thanh toán số nợ và chốt sổ, ông Trần Văn Hoan - Trưởng phòng Thu (BHXH TP Hà Nội) cho biết: Theo Quyết định 1111/QĐ-BHXH ngày 25-11-2011 của BHXH Việt Nam và Công văn số 914/BHXH-PT ngày 3-4-2013 của BHXH TP Hà Nội hướng dẫn bổ sung nghiệp vụ đối với những đơn vị nợ BHXH không còn hoạt động: UBND, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cùng cấp kiểm tra, lập biên bản xác định thời điểm đơn vị ngừng tham gia BHXH, BHYT do không còn tồn tại, không tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh; căn cứ biên bản kiểm tra, cơ quan BHXH chốt số tiền nợ BHXH, BHYT đến thời điểm đơn vị ngừng hoạt động và dừng tính lãi chậm đóng, dừng tính số phải thu phát sinh. Như vậy, BHXH sẽ thực hiện đóng mã giao dịch đối với đơn vị đó. BHXH là mối quan hệ 3 bên: Chủ sử dụng lao động - NLĐ - BHXH. Khi chủ sử dụng lao động không còn tồn tại thì tinh thần chung đối với BHXH là đơn vị đóng đến đâu, BHXH xác nhận đến đấy.
Trước việc DN mất tích, nợ đọng tiền BHXH gây thiệt thòi cho NLĐ, ông Hoan cho hay, hiện Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), theo đó kiến nghị áp dụng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; xử lý hình sự hành vi của người sử dụng lao động cố tình trốn đóng BHXH hoặc đã trích tiền đóng của NLĐ mà không đóng vào quỹ BHXH. Thời gian qua, những trường hợp DN mất tích, chiếm dụng tiền bảo hiểm của NLĐ xảy ra nhiều; vì vậy, cần phải có biện pháp mạnh tay đối với những trường hợp này.
BHXH dành cho NLĐ có tính chất là phòng các rủi ro và bảo đảm lợi ích của NLĐ đến khi nghỉ hưu. Không thu được nợ BHXH của chủ sử dụng lao động - đây là trách nhiệm của BHXH trong việc quản lý thu. Việc DN dây dưa kéo dài việc đóng BHXH hay "mất tích", trốn đóng BHXH đã gây thiệt thòi đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Hơn bao giờ hết, NLĐ rất cần những chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi chậm đóng hoặc cố tình chây ỳ, không đóng BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.