LTS: Những tồn tại, yếu kém của các hợp tác xã (HTX) nói chung và khu vực HTX nông nghiệp (NN) nói riêng đã được đề cập tại nhiều diễn đàn, nhưng việc tìm giải pháp để đưa những HTX này hoạt động có hiệu quả, phù hợp với thực tế không đơn giản.
LTS: Những tồn tại, yếu kém của các hợp tác xã (HTX) nói chung và khu vực HTX nông nghiệp (NN) nói riêng đã được đề cập tại nhiều diễn đàn, nhưng việc tìm giải pháp để đưa những HTX này hoạt động có hiệu quả, phù hợp với thực tế không đơn giản. Đã qua hai lần chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 1997 và 2003, song vẫn lại chỉ là "bình mới, rượu cũ", các vấn đề bức xúc nội tại của HTX như: Nguồn vốn, tài sản, nhân lực… không được giải quyết triệt để nên khu vực kinh tế này vẫn ì ạch.
Sản xuất rau an toàn tại HTX Rau sạch Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Diệp |
Bài 1: Vai trò không thể thay thế
Với nhiều địa phương, HTXNN là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới (NTM), là đơn vị công ích "đứng mũi chịu sào" làm những việc mà các doanh nghiệp, hộ cá thể nào không thể hoặc không muốn đảm đương. Vai trò không thể thay thế ấy của HTX đã được khẳng định qua nhiều năm dù có rất nhiều vấn đề nội tại.
Trăm dâu đổ đầu... hợp tác xã
Hà Nội có gần 2.000 HTX, trong đó có khoảng 1.000 HTXNN (chiếm gần 10% số HTXNN cả nước). "Nếu không có HTXNN đứng ra làm các dịch vụ công ích thì khó có một nền nông nghiệp ổn định như thời gian qua" - nhiều chuyên gia, nhà quản lý nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố có chung nhận định như vậy.
Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và dịch vụ Hòa Mỹ (Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết: Chăn nuôi nhỏ lẻ, nông dân phải mua thức ăn chăn nuôi giá cao, mua giống trôi nổi, thuốc thú y phải lấy lại của các đại lý… và mạnh ai nấy làm nên thường xuyên rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa rớt giá". HTX Chăn nuôi và dịch vụ Hòa Mỹ ra đời với sự tự nguyện của các thành viên nhằm tháo gỡ hết những khó khăn nêu trên. Lấy lợi ích xã viên làm trung tâm, HTX quy hoạch sản xuất, xây dựng quỹ rủi ro để hỗ trợ các hộ không may bị dịch bệnh hoặc rớt giá… Đến nay, các xã viên HTX đều có chuồng trại khang trang, có sự liên kết, chia sẻ. HTX đã góp phần hạn chế lối làm ăn nhỏ lẻ, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Với đầy đủ tính pháp lý, HTX đã hỗ trợ các thành viên trong việc quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đứng ra ký hợp đồng với các nhà máy chế biến, siêu thị…
Theo Chủ nhiệm HTXNN Phú Túc (Phú Xuyên) Nguyễn Văn Thắng, HTX đang "gánh" các dịch vụ mà không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tham gia như: Thủy lợi nội đồng, bảo vệ thực vật, khuyến nông… Trong khi đó, mỗi vụ chỉ thu 1,2kg thóc/sào, đối tượng phục vụ lại tới cả nghìn xã viên. "HTX không phải làm dâu trăm họ mà là dâu nghìn họ: Ruộng thiếu nước cũng gọi HTX, trâu ăn lúa ngoài đồng cũng HTX phải lo… Trách nhiệm thì nhiều mà lương bổng thì nhì nhằng vài trăm nghìn đồng, không đủ tiền xăng đi thăm đồng; phòng làm việc thì tạm bợ, chủ yếu là đi thuê hoặc mượn. Chưa kể công to việc lớn gì của địa phương, HTX cũng phải có mặt đóng góp dù nhiều dù ít" - ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm.
Nòng cốt xây dựng nông thôn mới
Đến nay, sau 3 năm triển khai, xã Song Phượng (Đan Phượng) đã đạt chuẩn NTM, trong thành công đó có vai trò rất lớn của HTX. Từ chỗ hoạt động không hiệu quả, số xã viên năm 1997 tới trên 3.000 (trung bình mỗi hộ có từ 2 đến 3 xã viên), đến nay HTX đã tổ chức, rà soát lại còn 907 xã viên đại diện hộ. Từ chỗ chỉ tham gia cung ứng một số dịch vụ đầu vào phục vụ nông nghiệp thuần túy như làm đất, thủy lợi, bảo vệ đồng điền mang tính hỗ trợ, phục vụ xã viên, HTX đã tạo ra những bước chuyển đổi quan trọng như: Thành lập và đưa vào hoạt động đội thu gom rác thải; xây dựng được đề án tín dụng nội bộ với số vốn lên tới gần 3 tỷ đồng; xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, diện tích hoa, rau màu, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản chiếm tới trên 70% diện tích đất trồng trọt (lúa chỉ còn chưa tới 30%). HTX còn đứng ra cung ứng các loại giống chất lượng cao; xây dựng 9km đường giao thông nội đồng kết hợp mương tưới tiêu, đường điện để phục vụ sản xuất...
Dù còn nhiều khó khăn nhưng khu vực kinh tế HTX vẫn có những đóng góp đáng khích lệ vào sự phát triển của Thủ đô và cả nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp: Với 69% số HTX làm dịch vụ cung ứng giống, vật tư; 52% số HTX làm dịch vụ khuyến nông, 5% số HTX làm dịch vụ tín dụng nội bộ; 58% số HTX làm dịch vụ thủy lợi; 25% số HTX làm đất… Đây là những dịch vụ đầu vào cơ bản, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các hộ xã viên. Bên cạnh đó, với 6% HTX có dịch vụ nước sạch nông thôn, 36 HTX dịch vụ nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau quả an toàn, mỗi ngày cung cấp hàng trăm tấn rau quả cho thành phố. Chưa kể có 5% tổng số HTX dịch vụ nông nghiệp có hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực môi trường, 5 HTX chuyên làm dịch vụ vệ sinh môi trường, trong đó có HTX Vệ sinh môi trường Thành Công (Thanh Xuân) thu gom và vận chuyển rác trên địa bàn 5 quận, huyện của thành phố với sự tham gia của hơn 1.000 xã viên. Rồi hoạt động của 9 HTX nhà ở đã giải quyết được việc làm tại chỗ cho nhiều xã viên ở các độ tuổi và trình độ khác nhau. Với chất lượng dịch vụ giá rẻ, quản lý bảo trì tốt hơn, hoạt động của các HTX nhà ở được xã hội đánh giá cao (HTX Nhà ở Thụy Điển - quận Cầu Giấy là minh chứng). Trong nhiều mô hình HTX hoạt động trên địa bàn Hà Nội không thể không kể đến HTX Phụ nữ đơn thân xã Tân Minh (Sóc Sơn), gần 100 xã viên là phụ nữ đơn thân đã xem HTX như một mái ấm và giúp nhau thoát nghèo. Bằng những hoạt động có hiệu quả, năm 2011, HTX đã được UBND xã tạm giao cho quản lý sử dụng hơn 1.500m2 đất để làm trụ sở và mở rộng phát triển các dịch vụ mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.