Sáng 26-10, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án các quan chức thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 11 tỷ đồng ngoài hợp đồng từ nhà thầu Nhật Bản. Đây là một trong những vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Vụ án đưa ra xét xử 6 bị cáo gồm, Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU); Trần Văn Lục và Nguyễn Văn Hiếu, đều nguyên Giám đốc RPMU; Phạm Hải Bằng và Phạm Quang Duy, đều nguyên Phó Giám đốc RPMU; Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3 RPMU. Những bị cáo đưa ra xét xử đều là những "nhân vật" từng được giao những chức vụ quan trọng tại RPMU. Phải nói vậy vì chuyện đó có mối quan hệ mật thiết với hành vi phạm tội của từng nhân vật và điều đó thể hiện rõ qua lời khai trước tòa của từng bị cáo - những lời khai nhiều khi ngô nghê tới tức cười.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2015, Phạm Hải Bằng là Phó Giám đốc RPMU, Chủ nhiệm dự án "Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 01), giai đoạn 1", đã trực tiếp đặt vấn đề về khoản tiền "lót tay" với phía đối tác là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC). Như tài liệu điều tra của phía Nhật Bản thì JTC đã chi tổng cộng số tiền khoảng 11 tỷ đồng qua 15 lần. Còn như lời khai trước tòa, bị cáo Phạm Hải Bằng cho biết, không nhớ cụ thể bao nhiêu lần nhận tiền và số tiền nhận trong từng lần là bao nhiêu bởi số tiền đó không được đưa vào sổ sách. Biện minh cho sự tùy tiện đó, bị cáo cho rằng: "Khoản tiền chi phục vụ cho hoạt động tư vấn, lẽ ra đối tác tư vấn Nhật Bản phải thực hiện.
Nhưng do tư vấn họ không nắm được nên họ đã để phía Việt Nam thực hiện. Phía Việt Nam chỉ tiêu hộ cho phía Nhật Bản khoản này". Tương tự, bị cáo Nguyễn Nam Thái cũng khai trước tòa việc chi tiêu không cho vào sổ sách là vì giúp cho công việc của dự án được trôi chảy.
Tóm lại, như lời khai của các bị cáo, 11 tỷ đồng là số tiền… tiêu hộ, chi hộ; là hoạt động hai bên… "phối hợp" với nhau; là tiền bên tư vấn… "cân đối" để phối hợp với phía Việt Nam. Vậy số tiền đó đã được tiêu hộ, chi hộ như thế nào? Phạm Hải Bằng quản lý, sử dụng 4,8 tỷ đồng và khai đã chi tiêu hết vào việc ngoại giao, tiếp khách; Nguyễn Nam Thái 3,4 tỷ đồng. Còn 2,8 tỷ đồng, Phạm Hải Bằng đưa cho Phạm Quang Duy để Duy chuyển cho Nguyễn Nam Thái và cán bộ phòng thực hiện dự án 3 chi cho hội họp, thưởng Tết, tham quan, nghỉ mát…
Có lẽ, chỉ những"nhân vật" đặc biệt mới được người ta "nhờ" tiêu hộ, chi hộ số tiền lớn như thế. Họ là ai? Trong một lần nói chuyện về nạn tham nhũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhấn mạnh: Tham nhũng gắn liền với người có chức quyền. Quyền sẽ sinh ra tiền, tiền tham nhũng có được từ quyền chức "đẻ" ra. Do đó, người có chức quyền nếu không có đạo đức trong sáng, thiếu lương tâm, trách nhiệm thì chức quyền sẽ là phương tiện, là "đường dẫn" tới các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Như vậy, phòng chống tham nhũng trước hết phải thực hiện từ các cơ quan công quyền. Người có chức quyền, hơn ai hết phải tự mình rèn luyện phẩm chất, đạo đức để nâng cao sức đề kháng trước nạn tham nhũng và là tấm gương cho cán bộ, công chức, viên chức noi theo. Hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đánh giá hiệu quả thu được còn hạn chế, phải chăng điều đó đồng nghĩa với công tác phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực từ chính các cơ quan công quyền còn hạn chế? Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao bản thân các cơ quan công quyền không phát hiện ra tham nhũng, tiêu cực ở đơn vị mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.