Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ được gửi tin "rác" khi khách hàng đồng ý: Liệu có khả thi?

Việt Nga| 29/04/2016 06:59

(HNM) - Thông tin về việc gửi tin nhắn rác phải được sự đồng ý của khách hàng đã từng được dư luận đề cập.

Dự thảo thông tư đưa ra quy định về gửi thư điện tử QC, gửi tin nhắn QC áp dụng đối với 7 loại "nhà" cung cấp dịch vụ; trong đó đáng chú ý có các nhà cung cấp dịch vụ truy cập internet, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn (là các DN cung cấp dịch vụ viễn thông), nhà cung cấp dịch vụ QC bằng thư điện tử, nhà cung cấp dịch vụ QC bằng tin nhắn, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn qua mạng internet.

Cụ thể, điều 6 dự thảo thông tư nêu rõ: Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn QC, thư điện tử QC đến người dùng khi họ đã thể hiện sự đồng ý nhận QC một cách rõ ràng, cụ thể qua một trong các cách sau: gửi tin nhắn đăng ký; khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in, cổng, trang thông tin điện tử; gửi thư điện tử đăng ký; gọi điện đến tổng đài thoại để đăng ký; sử dụng phần mềm hỗ trợ đăng ký nhận QC. Thứ hai, tổ chức, cá nhân phải gửi thư điện tử xác nhận tới địa chỉ thư điện tử đã đăng ký nhận thư điện tử QC; thư điện tử xác nhận phải có thông tin hướng dẫn về cách từ chối nhận thư điện tử QC. Thứ ba, tổ chức, cá nhân phải gửi tin nhắn xác nhận tới số điện thoại đã đăng ký nhận tin nhắn QC; tin nhắn xác nhận phải có thông tin hướng dẫn về cách từ chối nhận tin nhắn QC. Thứ tư, tổ chức, cá nhân phải công khai thỏa thuận về việc đăng ký, gửi nhận, từ chối thư điện tử QC, tin nhắn QC trên cổng, trang thông tin điện tử của mình và thực hiện đúng các thỏa thuận gửi thư điện tử QC, tin nhắn QC, đối với người nhận.

Nhiều khách hàng đang khổ vì tin nhắn “rác”.


Thông tin về việc gửi tin nhắn rác phải được sự đồng ý của khách hàng đã từng được dư luận đề cập. Trong đó có nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân trước nạn tin nhắn rác. Đồng thời, đó cũng là cơ sở pháp lý để "quản" nhà cung cấp các bên…

Dự thảo được lấy ý kiến góp ý của người dân tại Cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT (www. mic.gov.vn), trong chuyên mục lấy ý kiến nhân dân. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới khi được hỏi về vấn đề này, một số khách hàng dùng di động cho rằng, việc cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tin nhắn rác là rất cần thiết, song người dân cũng đặt ra một số vấn đề.

Ông Ngô Tiến (ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông) cho biết: "Tôi dùng di động nhiều năm nay và thường xuyên theo dõi qua báo chí biết từng có quy định gửi tin nhắn QC phải có chữ QC ở đầu tin nhắn, nhưng tôi nhận tin rác hằng ngày mà không thấy? Hơn nữa, quy định nhà mạng không được gửi tin QC sau 20h hằng ngày, tuy nhiên đến 23h, tôi vẫn nhận được tin nhắn QC rác của chính nhà mạng mời dùng dịch vụ".

Chị Minh Oanh ở quận Cầu Giấy thì khẳng định, dù đã nhắn tin gửi tới đầu số dịch vụ của nhà mạng (theo hướng dẫn) song hằng ngày chị vẫn "bị" nhận tin nhắn rác, trong đó vẫn có tin nhắn rác của tổng đài gửi. "Nhà mạng từng yêu cầu khách hàng nhắn tin đến tổng đài (miễn phí) để từ chối nhận tin nhắn rác, nhưng kết quả khách hàng vẫn buộc phải nhận tin nhắn rác trong đó có cả của chính nhà mạng. Vậy, không rõ quy định mới ở thông tư mới này, cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành có tính toán đến những ràng buộc hoặc chế tài mạnh gì để ngăn chặn nạn tin rác gây bức xúc cho khách hàng?" - chị Minh Oanh thắc mắc.

Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp mạnh, quy định cụ thể để buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm ngăn chặn nạn tin rác, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ được gửi tin "rác" khi khách hàng đồng ý: Liệu có khả thi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.