Không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác; tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan; dừng nhập khẩu động vật hoang dã; quy định mới về mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 7-2020.
Thủ tướng: Không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 25-7-2020 nêu rõ: Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng. Các bộ, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, nguyên tắc, phương châm và thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24-4-2020, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.
Đối với các trường hợp nhiễm bệnh mới trong cộng đồng, các diễn biến mới của dịch bệnh, cần xử lý bình tĩnh, kiên quyết với các biện pháp phù hợp.
* Tại Thông báo 257/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 27-7-2020 về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong thời điểm hiện nay, tiếp tục tập trung cao độ, chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp, phản ứng nhanh, tăng tốc truy vết, xét nghiệm trên diện rộng nhằm ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch lây lan ra toàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác.
UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để phòng, chống dịch trên phạm vi toàn thành phố trong ít nhất 14 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 28-7-2020. Đối với các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao (như tại 3 bệnh viện, một số nơi các bệnh nhân đã đến), cần phải phong tỏa, cách ly và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020. Đối với các khu vực, địa bàn còn lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4-2020.
Tùy diễn biến dịch, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, quyết định mức nguy cơ và biện pháp phù hợp, kịp thời để phòng, chống dịch đối với từng khu vực, địa bàn trên phạm vi thành phố.
* Văn bản hỏa tốc số 6082/VPCP-KGVX ngày 26-7-2020 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, nhằm kiểm soát tốt dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 (Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25-7-2020 của Văn phòng Chính phủ).
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy vết trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng, nhất là các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả khách du lịch.
Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị; điều tra, giám sát dịch, nhất là các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.
Tập trung khắc phục hậu quả động đất
Ngày 28-7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 999/CĐ-TTg yêu cầu UBND tỉnh Sơn La và các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục hậu quả động đất.
Trong đó, UBND tỉnh Sơn La tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại do động đất; chủ động bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ (quân đội, công an, thanh niên, xung kích) hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại, đặc biệt là trường học, trạm y tế.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập lớn (Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng), chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.
Tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
Ngày 1-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1021/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư
Ngày 10-7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.
Trong đó, về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, hằng năm rà soát, đánh giá việc đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư không còn phù hợp với Việt Nam; xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các nguyên nhân cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư.
Triển khai giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới
Ngày 14-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hằng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm; Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế...
Thủ tướng chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã
Ngày 23-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.
Chỉ thị nêu rõ, để bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý động vật hoang dã, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh) đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, tại Công điện số 862/CĐ-TTg ngày 8-7-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Thủ tướng chỉ đạo: Không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng
Ngày 21-7-2020, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 949/CĐ-TTg yêu cầu các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Để khắc hậu quả hậu quả các vụ tai nạn giao thông và không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an có phương án tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hoạt động trong thời gian từ 21h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau; trường hợp phát hiện lái xe vi phạm nồng độ cồn hoặc chất ma túy thì làm việc với các cơ quan có liên quan để thực hiện tạm đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe, chủ xe kinh doanh vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường giám sát thông tin qua thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các lực lượng của ngành Công an và sở giao thông vận tải để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe vi phạm; đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt tập trung vào các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với lái xe kinh doanh vận tải.
Chính phủ quyết nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Ngày 17-7-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh phải tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, hệ thống công cụ về định mức và giá xây dựng và các thông tư hướng dẫn Nghị định đã được ban hành; tổ chức thực hiện đồng bộ, đầy đủ và kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Cụ thể, cần hoàn thành việc rà soát ban hành các định mức xây dựng trước ngày 31-12-2020 cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của bộ, địa phương (ngoài các công việc thuộc hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành). Thực hiện công bố đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP trước ngày 30-9-2020 làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trong thời gian chưa kịp thực hiện khảo sát, lấy số liệu, UBND cấp tỉnh ban hành hướng dẫn việc áp dụng đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công trên cơ sở dữ liệu hiện có theo các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định.
Quy định xuất, nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam
Ngày 1-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định này quy định về việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, KKT ven biển được miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Quy định về việc cấp giấy thông hành
Ngày 1-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2020/NĐ-CP quy định chi tiết đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi, hủy giá trị sử dụng giấy thông hành.
Dịch vụ công trực tuyến kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động
Ngày 1-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2020/NĐ-CP quy định việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam; kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.
Trong đó, Nghị định quy định dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam và kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.
Quy định về tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị
Việc tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định tại Nghị định số 78/2020/NĐ-CP ban hành ngày 6-7-2020 của Chính phủ.
Nghị định quy định đối tượng được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị gồm: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ; hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên; sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
Chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị
Ngày 8-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 79/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Nghị định này quy định phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; phụ cấp theo ngày làm việc; chế độ khám bệnh, chữa bệnh; chế độ trợ cấp tai nạn, trợ cấp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro; trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với học viên đào tạo sĩ quan dự bị; chế độ viếng sĩ quan dự bị từ trần.
Quy định mới về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại
Ngày 8-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
Theo Nghị định, việc quản lý và sử dụng viện trợ phải đảm bảo các nguyên tắc: Các khoản viện trợ chỉ được tiếp nhận, thực hiện, sử dụng khi đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. Nguồn tiền viện trợ phải là nguồn tiền, tài sản hợp pháp; không tiếp nhận những hàng hóa (kể cả vật tư, thiết bị) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật; cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý và sử dụng hiệu quả khoản viện trợ.
Nghị định cấm các hành vi: Sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc...
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 9-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4-12-2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; trong đó sửa đổi khoản 8 Điều 6 về giao dịch trái phiếu.
Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về giao dịch tại thị trường phát hành.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt từ 5-10 triệu đồng
Ngày 15-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã được Chính phủ ban hành.
Trong đó, hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Theo Nghị định, đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Tiêu chí chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác
Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Nghị định số 83/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 41a quy định tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác và Điều 41b quy định đối với diện tích rừng đã được quy hoạch cho mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp.
Giáo viên được nghỉ hè 8 tuần
Ngày 17-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Còn đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học thì thời gian nghỉ hè thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Quy định thi tuyển phương án kiến trúc
Ngày 17-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, trong đó quy định thi tuyển phương án kiến trúc.
Theo đó, có hai hình thức thi tuyển là thi tuyển rộng rãi và thi tuyển hạn chế. Cụ thể, thi tuyển rộng rãi là hình thức tổ chức cuộc thi không hạn chế số lượng tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu cần thiết) tham gia thi tuyển.
Thi tuyển hạn chế là hình thức tổ chức cuộc thi được áp dụng trong trường hợp chỉ có một số tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển (nhưng không dưới 3 tổ chức, cá nhân) đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hoặc tính đặc thù của công trình thi tuyển phương án kiến trúc.
Sửa quy định về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển
Ngày 23-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.
Cụ thể, Nghị định số 86/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP: Quy định về đăng ký, xóa đăng ký tàu biển tại Nghị định này cũng áp dụng đối với việc đăng ký, xóa đăng ký tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động và việc đăng ký phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB trước đây đã đăng ký trong sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP về sổ đăng ký tàu biển quốc gia. Theo đó, sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được sử dụng để ghi lại các thông tin liên quan đến tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động đã được đăng ký hoặc xóa đăng ký theo quy định. Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam được lập dưới dạng sổ ghi chép trên giấy và cơ sở dữ liệu điện tử.
Quy định mới về mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp
Ngày 28-7-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
Về mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.
Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng
Ngày 27-7-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Một trong những giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm là cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau tại một số thành phố, khu du lịch lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.