(HNM) - Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm đối tượng buôn lậu tăng cường hoạt động.
Theo Chi cục QLTT Hà Nội, với lượng hàng hóa lưu chuyển lớn, Hà Nội là địa bàn phức tạp, “điểm đến” của các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại. Chỉ riêng tháng 10-2016, Chi cục đã kiểm tra 735 vụ, xử lý 674 vụ gian lận thương mại trên địa bàn, với tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 4 tỷ đồng. Mới đây, Đội QLTT số 7 phối hợp với Đội 5 PC49 (Công an Hà Nội) đã kiểm tra điểm giao nhận hàng hóa tại số 11 ngõ 83 đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, phát hiện 200 can nước rửa bát loại 3.600ml/can là hàng nhập lậu, bà Võ Thị Hoài Phương là chủ sở hữu. Lực lượng chức năng đã phạt 6,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa trên.
Trước đó, Đội QLTT số 14 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón thuộc Công ty TNHH Kinh doanh và thương mại Nông Phú (huyện Phúc Thọ), tạm giữ 92 tấn phân bón hỗn hợp NPK (N-P205-K20 18-0-7) loại 40kg/bao, đưa lấy mẫu giám định chất lượng. Chi cục QLTT Hà Nội chủ trì phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra ATTP tại nhà hàng Mai Hương (quận Hà Đông), phát hiện trong khu chế biến thực phẩm, các nhân viên không mặc trang phục bảo hộ theo quy định về ATTP. Các mẫu rau, thịt của nhà hàng đã được lấy mẫu đưa lên xe kiểm nghiệm nhanh để kiểm tra các chỉ số dư lượng chất tạo nạc, chất kháng sinh và thuốc trừ sâu. Kết quả, một số mẫu rau dương tính với thuốc trừ sâu. Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị dừng tiêu thụ toàn bộ số rau có kết quả dương tính này, yêu cầu nhà hàng Mai Hương phối hợp cùng đoàn liên ngành mang mẫu rau có kết quả dương tính với thuốc trừ sâu đến cơ quan kiểm định để kiểm định chất lượng.
Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại TP Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, vấn đề ATTP được các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương rất quan tâm. Riêng Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nào vi phạm về ATTP đến lần thứ 3 sẽ không được cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Điều này thể hiện sự kiên quyết của thành phố trong việc loại bỏ sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP. Từ ngày 5-11, Hà Nội đã triển khai 3 xe chuyên dụng phục vụ kiểm tra ATTP cho thành phố. Đây là dòng xe lưu động được trang bị hiện đại, có khả năng kiểm tra nhanh, sàng lọc, lấy mẫu tại chỗ, hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng phản ứng nhanh trong công tác thanh - kiểm tra, đánh giá vệ sinh ATTP trên địa bàn Thủ đô.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu tăng cường hoạt động, Chi cục QLTT Hà Nội đã chủ động lập kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Một số lĩnh vực, mặt hàng được yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý là: Pháo nổ, đồ chơi không bảo đảm an toàn, các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, các loại nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến hàng công nghiệp thực phẩm...
Để người dân Thủ đô yên tâm vui đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, bảo đảm hàng hóa lưu thông trên thị trường ổn định, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh ATTP đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ tiêu dùng, hàng khuyến mãi, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
Các lực lượng chức năng sẽ kiểm soát, ngăn chặn tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa hết hạn sử dụng tại các hội chợ xuân và mùa lễ hội đầu năm 2017. Chi cục QLTT sẽ phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tổ chức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố ký cam kết không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP… Qua đó, giúp thương nhân nâng cao được nhận thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, đồng thời làm tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.