Nhiều người đã không ngại bỏ ra nhiều công sức, chi hàng chục triệu đồng chỉ để mua vài ba chú gà ăn Tết một lần cho thỏa.
Tết này, các đại gia lại đổ xô săn gà Đông Cảo.
Gà Đông Cảo - Một giống gà quý của Việt Nam - mới được khôi phục lại được xem là quý và khá đắt. Tuy nhiên, đa số gà bán ra trên thị trường vẫn chủ yếu là gà lai, không thuần chủng.
Để có được gà Đông Cảo thuần chủng ăn Tết Nguyên đán, hai đại gia ngành bất động sản phía Nam phải cất công ra tận Đông Cảo chọn gà, rồi còn thuê khách sạn, mua vé máy bay để chở gà về Nam...tốn cả chục triệu đồng.
5 giờ chiều, đón người bạn "lõi đời trong làng gà Đông Cảo" bằng một con Mẹc thuê nguyên chuyến trên một con phố Bà Triệu, cả đoàn gồm 1 lái xe và 2 đại gia xuất phát về làng Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ, xe về đến làng Đông Tảo. Chủ một trang trại gà lớn tại làng tên Hân nhanh chóng đánh tín hiệu mối hàng với lái xe rồi dẫn vào trong trang trại. Mùa đông, hơn 7 giờ tối, trời tối đen như mực. Dành chừng 2 phút uống ly trà nóng, cả nhóm xách đèn pin đi thăm những con "kê vàng, kê ngọc" của gia chủ.
Ở chuồng thứ nhất, con gà Đông Cảo hơn 5kg có thâm niên hơn 2 năm nuôi, chiếc chân "dị hợm" to bè, đỏ ửng bành ra chừng 6cm gườm gườm nhìn ánh đèn sáng khi bị rọi.
Chủ trang trại nhanh nhảu: "Con gà Đông Cảo này cả khu số lượng chỉ trên đầu ngón tay. Đây chính là chú gà lên tạp chí Trang trại Việt, phụ san của báo Nông thôn ngày nay rồi lên tạp chí trên máy bay đã vài lần xuất hiện. Loại gà này không bán theo cân mà bán theo con".
Thấy các đại gia bất động sản có vẻ "ưng cái bụng", anh tiếp tục dẫn sang khu vực kế bên. Con gà thứ 2 này có bộ mã không đẹp vì lông đuôi ngắn, lông bao phủ người không mượt. Nhưng đổi lại, nhìn thấy vứt ngô ra nền nhà, chú nhanh nhẹn chạy mổ lấy mổ nể. Tuy nhiên, điều làm chú gà này lên giá là do đôi chân "siêu khủng", to, đỏ và xù xì.
So với số gà trong cả trang trại, không có một chú mãnh kê nào có cặp chân "đáng tiền" hơn thế. Con thứ hai nhanh chóng được duyệt.
Một trong hai đại gia bất động sản hỏi chủ trang trại: "Còn chú nào hay nữa không? Giới thiệu cho anh xem nốt? Không thì hỏi trong làng, bằng cách gì cũng tìm cho anh một con độc nhất".
"Được, em giới thiệu với anh nốt chú này. Giống nhà em đấy" - anh Hân nói.
Vượt qua đường ra giếng, quành ra phía sau bếp tìm đến khu chuồng gà to nhất trang trại chừng hơn 10 con gà mái màu lông vàng nhạt giống hệt nhau, chân to sù sì. Nổi bật trong số đó là một con gà trống cao, to lớn, chân bạnh ra hai bên, mào, ức và da bụng, màu chân đỏ phừng phừng".
Hân thò tay vào ức, kéo chú gà ra khỏi chuồng đặt ra ngoài. Hân cười: "Đây là con giống nhà em, một nó cho 10 mái đấy".
Không để cho Hân trình bày và giải thích nhiều, ngay lập tức, Quyền - một trong số 2 đại gia - nhanh giọng: "Để cho anh nốt con này".
Chưa đầy 20 phút sau khi xem, hơn 10 triệu đồng được trả cho 3 chú gà. Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh, không có mặc cả, kết thúc bằng một bữa cơm gà Đông Cảo luộc ở một quán được cho là ngon nhất làng.
Về đến Hà Nội, trong thời gian chờ đợi, 3 chú gà được thuê riêng một phòng khách sạn với giá 500.000 đồng/đêm tại một khách sạn trên phố Nguyễn Thái Học.
Rồi, để chuyển gà phải mua vé, mua thùng đựng đặc biệt theo quy chuẩn dành cho hàng tươi sống để lên máy bay theo đường hàng hóa đặc biệt vào Nam với chi phí lên tới gần 2 triệu đồng.
Tính ra, giá thành một chú gà lúc này đã lên đến 7-10 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đây, khi về đến Vũng Tàu, để làm được đủ 7 món từ loại gà này như chân tần thuốc Bắc, đùi luộc, cổ dồi... thì lại phải thuê đầu bếp trong khách sạn chế biến. Và để thưởng thức món Tết đặc biệt này thì còn tốn kém nhiều khoản khác như: mời đầu bếp đặc biệt, đồ uống cao cấp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.