(HNMO) - Những ngày qua, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục giảm, hiện đã co tới 2,8 triệu đồng/lượng so với cuối năm 2013 và về mức thấp nhất gần 2 năm qua.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới co mạnh |
Đêm 12/3, giá vàng thế giới tăng đến trên dưới 20 USD/ounce, có thời điểm đạt 1.352,5 USD-mức cao nhất 6 tháng qua. Tại thị trường trong nước, lúc đầu giờ sáng 13/3, giá kim loại quý tăng khoảng 160.000 đồng, lên 36,44 triệu đồng/lượng nhưng sau đó nhanh chóng được điều chỉnh xuống. Thời điểm 13h20 cùng ngày, vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội được niêm yết ở mức 36,28 triệu đồng/lượng-36,33 triệu đồng/lượng và tại TPHCM là 36,29 triệu đồng/lượng-36,34 triệu đồng/lượng, chỉ còn tăng 80.000-100.000 đồng/lượng so với hôm trước. Với mức giá trên, tính ra giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với ngày 12/3, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế co 270.000 đồng/lượng, còn so với cuối tháng 2 thì co 800.000 đồng/lượng; chênh lệch trên cũng thu hẹp rất nhiều so với mức 4,3 triệu đồng/lượng hồi cuối năm 2013. Đặc biệt, so với mức đỉnh trong lịch sử là 7 triệu đồng/lượng ghi được ngày 18/4/2013 thì mức chênh lệch giá giữa hai thị trường đã co tới 5,5 triệu đồng/lượng.
Rõ ràng, từ đầu năm, chênh lệch giá giữa hai thị trường đã liên tục co mạnh và đến nay đã về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012. Có thể nói, đây là tín hiệu vui của thị trường bởi chênh lệch giá đang trên đà giảm nhanh về mức kỳ vọng 400.000-1.000.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng chậm so với giá thế giới là nguyên nhân chính giúp chênh lệch giá giữa hai thị trường thu hẹp. Sở dĩ giá kim loại quý trong nước tăng chậm hơn là bởi, theo nhận định của một số chuyên gia, nhu cầu vàng miếng SJC hiện tại đã giảm mạnh so với trước đây trong khi đó nguồn cung lại dồi dào nhờ các phiên đấu thầu bán ra của Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa qua. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, trừ phiên giao dịch ngày mồng 10/1 âm lịch (9/2)-ngày vía Thần Tài, theo quan niệm xuất tiền mua vàng vào ngày này sẽ gặp nhiều may mắn, thị trường rất sôi động, còn lại giao dịch của các doanh nghiệp chủ yếu ở mức trung bình. Mà trên thị trường quốc tế, giá vàng tăng mạnh do căng thẳng ở Ukraine. Hiện tại, Nga vẫn giữ quan điểm ủng hộ Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga (Crimea đang thuộc sự kiểm soát của quân Nga). Trước thực trạng này, Mỹ và phương Tây đã cảnh báo có thể áp dụng những đòn trừng phạt nặng nề hơn đối với Nga về vấn đề Crimea.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu tháng 2 của Trung Quốc giảm hơn 18%, vượt xa mọi dự báo trước đó của giới phân tích có thể sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ vàng ở quốc gia này. Ngoài ra, những số liệu kinh tế của Mỹ được công bố thời gian qua kém khả quan hơn dự kiến cũng làm tăng thêm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ trì hoãn việc cắt giảm QE3.
Có thể nói, giá vàng thế giới tăng trong thời gian qua ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia bởi tình hình khủng hoảng tại Ukraine bất ngờ xảy ra.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư cần cảnh giác xem chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và quốc tế thu hẹp có kéo dài không hay chỉ là phản ứng tức thời của thị trường. Ông cho biết, đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy đây là xu hướng kéo dài cả năm vì thị trường vàng thế giới đang biến động mạnh, chủ yếu là do khủng hoảng ở Ukraine, trong khi thị trường trong nước không phải lúc nào cũng đi cùng chiều thế giới. Giá thế giới lên cao, giá trong nước chưa điều chỉnh kịp thì chênh lệch giữa hai đầu giá chắc chắn xuống thấp. “Vì thế, việc chênh lệch giá co hẹp như vậy chưa phải là xu hướng lâu dài mà chỉ là phản ứng tức thời của thị trường” - Chuyên gia này nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu và một số chuyên gia kinh tế khác đều nhận định, nếu tình hình Ukraine lắng xuống thì giá vàng thế giới sẽ hạ nhiệt, ngay lập tức mức chênh lệch giá sẽ lại nới rộng ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.