Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chè Việt Nam: Vì sao chưa có thương hiệu?

Chí Đạo| 02/08/2010 06:38

(HNM) - Cây chè ở Việt Nam thu hút 6 triệu lao động khu vực nông thôn ở 34 tỉnh, thành phố. Nhưng ngành chè vẫn manh mún, nhỏ lẻ; môi trường cạnh tranh chưa lành mạnh; mất cân đối giữa nguyên liệu và chế biến; chưa quản lý được chất lượng sản phẩm… đời sống người trồng chè thấp.

Dây chuyền sản xuất chè tại Công ty chè Minh Nguyệt. Ảnh: Lê Tuấn


Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và xuất khẩu. Hiện cả nước có khoảng 130.000ha chè với năng suất bình quân 6,5 tấn chè búp tươi/ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 800.000 tấn búp tươi, chế biến được 180.000 tấn chè khô và xuất khẩu được 130.000 tấn. Ngành chè đã tạo việc làm cho 6 triệu lao động với thu nhập trung bình 19,5 triệu đồng/ha; trồng chè cao sản thu nhập từ 60 đến 90 triệu đồng/ha. Sản phẩm chè đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường… Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, thị trường xuất khẩu chè tăng mạnh trong những năm qua. Ngoài thị trường truyền thống như Pakistan, Nga, Ấn Độ, Indonesia thì khu vực Trung Đông, châu Âu, Nhật Bản… đang trở thành thị trường quan trọng.

Môi trường cạnh tranh giữa các DN chưa lành mạnh dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán; nhiều DN chạy theo lợi nhuận đã sản xuất, xuất khẩu sản phẩm chè kém chất lượng. Hiện cả nước có 445 cơ sở chế biến chè, công suất trên 1.000 tấn búp tươi/ngày, trong khi nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50% công suất. Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam thừa nhận, quản lý nhà nước đối với ngành chè còn nhiều bất cập, mất cân đối giữa khả năng cung ứng nguyên liệu với công suất chế biến. Công suất của các nhà máy chế biến đang vượt khoảng 2 lần, có nơi 3 lần so với nguồn nguyên liệu. Một vấn đề khác làm đau đầu các nhà quản lý và chủ DN chế biến là an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Chính Sơn (Hà Nội) cho rằng, từ chỗ thiếu nguyên liệu, người trồng chè vì lợi nhuận đã phải sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học để tăng năng suất. Tình trạng này dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, thua kém so với thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một trong những nguyên nhân khiến giá chè xuất khẩu của nước ta chỉ bằng một nửa so với thế giới (1.400 USD/tấn). Thêm nữa, có tới 90% sản phẩm chè xuất khẩu dưới dạng thô, trong khi rất ít DN đầu tư vào thương hiệu, đóng gói để gia tăng giá trị. "Các DN còn trông chờ vào Nhà nước, nặng về tâm lý "hớt váng sữa", né tránh đầu tư vào nông nghiệp, chưa có trách nhiệm với cộng đồng, người tiêu dùng" - ông Đoàn Anh Tuân thừa nhận. Vì vậy, đến nay chưa có thương hiệu tốt cho chè Việt Nam trên thị trường thế giới.

Về định hướng phát triển chè Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Chè Pakistan Muhammad Hanif Janoo cho rằng, Việt Nam nên xây dựng một trung tâm đấu giá chè để đưa ra những chuẩn mực giá cả, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. "Chè có chất lượng tốt hơn sẽ có cơ hội tốt ở trung tâm đấu giá và sẽ khuyến khích được các nhà sản xuất thực hiện tốt phần việc của mình" - ông Muhammad nói. Ngoài ra, các nhà quản lý ngành chè cần lưu ý đến các chính sách ưu đãi thuế, xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn thế giới; kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chè Việt Nam: Vì sao chưa có thương hiệu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.