Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chế định ly thân: Cần cẩn trọng cân nhắc

Bách Sen| 25/01/2014 06:28

(HNM) - Cho rằng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 không quy định về ly thân nhưng đây là thực tế diễn ra ở nhiều gia đình, Bộ Tư pháp đã đưa quy định ly thân có công chứng vào Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) để tòa án có cơ sở giải quyết nhanh việc ly hôn (nếu có) sau đó.

Theo quan điểm của ban soạn thảo, nếu sau thời gian ly thân mà cặp vợ chồng vẫn quyết định ly hôn thì cần xem bản công chứng về ly thân này như một bằng chứng về nỗ lực cố gắng hàn gắn của hai bên nhưng không thành. Khi đã có chứng cứ này thì tòa án không nên tiến hành thêm bước hòa giải nữa. Việc quy định về ly thân theo hướng trên, ngoài tác dụng bảo đảm giá trị pháp lý, giúp đơn giản hóa thủ tục ly hôn, còn giúp các bên thực hiện giao dịch khác (về tài sản) trong quá trình ly thân một cách minh bạch… Bởi nhiều lý do khác nhau như ngại tuổi cao, danh dự, uy tín, khi có mâu thuẫn xảy ra, nhiều cặp vợ chồng đã chọn cho mình việc chấm dứt hôn nhân bằng ly thân như là một giải pháp chấm dứt xung đột mà không thực hiện việc ly hôn.

Nghe giải trình trên, có thể thấy những người làm chính sách và ban soạn thảo đã nhìn thẳng vào thực tế xã hội. Tuy nhiên, ban soạn thảo quên mất một điều, một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam là nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng. Tự nguyện ở đây được hiểu là tự nguyện trong kết hôn, tự nguyện trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng. Không ít cặp vợ chồng vì nhiều lý do không thể sống chung nhưng vẫn ở cùng một nhà để con cái được hưởng trọn vẹn sự chăm sóc của cha mẹ và vợ chồng có khoảng thời gian tĩnh tâm, suy nghĩ kỹ lại những rạn nứt, có thể sau đó sẽ yêu thương nhau hơn. Lại có trường hợp chọn ly thân như giải pháp tạm thời để giải quyết mâu thuẫn khi không muốn ly hôn hoặc cảm thấy cuộc hôn nhân của mình chưa bế tắc đến mức phải ly hôn. Cũng có trường hợp ly thân chỉ có vợ, chồng biết với nhau, thậm chí họ còn giấu con cái, gia đình, họ hàng để không ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm của người thân. Nay hành chính hóa vấn đề này bằng thủ tục công chứng có thể sẽ khoét sâu hơn khoảng cách vợ - chồng và khiến họ nhanh chóng chia tay. Lợi ích về việc phân chia tài sản nếu công chứng ly thân cũng cần xem xét lại vì thực tế pháp luật hiện hành không có gì cản trở. Thậm chí, hai vợ chồng đang có cuộc hôn nhân bình thường muốn chia toàn bộ tài sản cũng không có gì phức tạp. Mặt khác, theo quy định hiện hành, công chứng là công nhận một sự kiện khách quan về mặt pháp lý chứ không phải là một văn bản làm căn cứ để tòa án quyết định.

Thực tế trên cho thấy, chế định ly thân được đưa vào luật sẽ có nguy cơ làm phức tạp, rắc rối thêm. Đối với một nước có điều kiện văn hóa, xã hội như Việt Nam, có nên bổ sung chế định ly thân vào trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) hay không cần phải tính toán kỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chế định ly thân: Cần cẩn trọng cân nhắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.