(HNM) - Ngành Thủy sản đang có đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta, nhưng năm 2015, xuất khẩu thủy sản không như kỳ vọng khi giảm cả về số lượng lẫn giá trị.
Chế biến hải sản xuất khẩu tại Nhà máy Đông lạnh Sông Gianh. Ảnh: Như Ý |
Nguyên nhân chủ yếu là các nhà nhập khẩu hạn chế mua, sản phẩm bị "vấp" phải những hàng rào kỹ thuật của các nước, nhiều sản phẩm vẫn còn tồn dư chất kháng sinh, các sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu nên phải qua trung gian dẫn tới giá trị thấp, sức cạnh tranh kém...
Nhà máy tăng nhanh, cạnh tranh hạn chế
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 6 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu giảm đáng kể ở các thị trường chính như: Nhật Bản giảm 13,36%; Hàn Quốc giảm 14%. Giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ, chỉ đạt 1,06 tỷ USD, giảm 25,1%. Đặc biệt, vừa qua Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu từ tháng 3-2016 sẽ áp dụng quy định mới đối với nhà cung cấp sản phẩm cá tra là thanh tra, kiểm tra ở trang trại và xưởng chế biến của nhà cung cấp trong và ngoài nước Mỹ. Việc kiểm tra này sẽ tiến hành từng quý trong suốt 18 tháng thử nghiệm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), điều này sẽ gây khó khăn cho cá tra Việt Nam cũng như nhiều loại cá da trơn khác vì Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu thủy sản của Việt Nam, chiếm 19,7% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi hoạt động sản xuất và chế biến thủy sản của ta còn nhiều bất cập. Hiện cả nước có 352 doanh nghiệp chế biến, trong đó có 265 cơ sở chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn; có 643 kho lạnh với tổng sức chứa khoảng 78.700 tấn.
Các nhà máy chế biến tăng ồ ạt, có trường hợp không theo quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc tranh mua, tranh bán nguyên liệu thủy sản để chế biến. Việc chưa có cơ chế để tạo ra sự liên kết, phối hợp giữa nhà sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nuôi các sản phẩm thủy sản chủ lực trong thời gian qua.
Quản lý các nhà máy chế biến còn khó khăn, đặc biệt là công tác quản lý việc xử lý nước thải. Nguyên nhân là đầu tư trang thiết bị xử lý nước thải quá lớn trong khi doanh nghiệp không đủ lực, lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng và không thực hiện thường xuyên dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng nhiều. Thị trường thủy sản nội địa chưa được quan tâm đúng mức so với thị trường xuất khẩu.
Hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủy sản của Việt Nam và mở rộng thị trường chưa được chú trọng, hiệu quả thấp. Các doanh nghiệp trong nước chưa chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và sức cạnh tranh kém. Việt Nam là nước có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc bị trả về ở tất cả các thị trường. Tính từ năm 2014 đến nay đã có gần 32.000 tấn hàng thủy sản bị trả về.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Số lượng các mặt hàng bị trả về không chỉ do nhiễm kháng sinh vượt chỉ tiêu cho phép mà còn do bao bì, nhãn mác không đúng tiêu chuẩn, bị rách, ghi sai quy cách, điều kiện bảo quản trong quá trình vận chuyển không tốt... Điều này làm giảm uy tín của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Kiểm soát chặt chẽ khâu chế biến
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, trong ngành Thủy sản, khâu chế biến và xuất khẩu có vai trò quan trọng để nâng cao giá trị. Do vậy các địa phương cần quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch, quản lý chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh của các nhà máy chế biến, đủ tiêu chuẩn mới cấp giấy phép kinh doanh, không để xảy ra tình trạng hàng loạt các nhà máy được thành lập nhưng hoạt động lại cầm chừng vì thiếu nguồn nguyên liệu hoặc không đủ tiềm lực tiếp tục sản xuất. Các nhà máy cần liên kết để thu mua nguyên liệu ổn định và hạ giá thành đầu vào để nâng cao sức cạnh tranh.
Các bộ, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát tốt việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản và bơm tạp chất vào sản phẩm để không tồn dư chất kháng sinh khi xuất khẩu. Hiện thị trường xuất khẩu thủy sản đang gặp khó, các doanh nghiệp cần năng động trong việc mở rộng thị trường mới sang các nước có tiềm năng, nhưng vẫn chú trọng ở thị trường Mỹ và Châu Âu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung vào nâng cao giá trị sản phẩm bằng việc chuyển giao công nghệ và tập huấn cho ngư dân về công tác bảo quản sau thu hoạch nhằm tránh tổn thất lớn; chú trọng tới vấn đề xây dựng thương hiệu để có thể bán trực tiếp sản phẩm, bớt khâu trung gian nhằm tăng giá bán. Đặc biệt, phải quan tâm tới khâu kiểm soát chất cấm trong sản phẩm thủy sản. Doanh nghiệp nào có đơn hàng bị trả về, nhắc nhở nhiều lần không sửa chữa, cần tịch thu giấy phép kinh doanh, không để ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.