Nỗ lực giải quyết sự cố tràn dầu của Tập đoàn năng lượng BP (Anh) một lần nữa gặp khó khăn khi chiếc tàu chứa dầu được hút lên từ giếng dầu bị rò rỉ bất ngờ bốc cháy ngày 15/6 khiến công tác hút dầu phải ngừng hoàn toàn.
Nỗ lực giải quyết sự cố tràn dầu của Tập đoàn năng lượng BP (Anh) một lần nữa gặp khó khăn khi chiếc tàu chứa dầu được hút lên từ giếng dầu bị rò rỉ bất ngờ bốc cháy ngày 15/6 khiến công tác hút dầu phải ngừng hoàn toàn.
Dầu tràn gần một bến tàu cá ở Alabama ngày 14-6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong một tuyên bố, BP cho biết chiếc tàu chứa dầu, neo phía trên giàn khoan Deepwater Horizon đang nằm sâu hơn 1.500m dưới biển, bị cháy là do sét đánh. Ngay lập tức, toàn bộ hệ thống hút và chứa dầu phải ngừng hoạt động để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của các công nhân.
Công tác cứu hỏa được triển khai kịp thời và may mắn không có thương vong trong vụ cháy trên. Năm giờ sau đó, hệ thống hút và chứa dầu được kích hoạt trở lại.
Theo đúng kế hoạch, cùng ngày, BP đã triển khai chiếc tàu thứ hai tới Vịnh Mexico để đẩy nhanh công tác hút dầu từ giếng dầu bị vỡ. Chiếc tàu này, có tên là Q4000, không có khả năng chứa và xử lý dầu nên toàn bộ số dầu được chuyển lên sẽ bị khoanh vùng và đốt ngay sau đó.
Biện pháp "thiêu hủy" dầu được thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, với mục tiêu đốt 10.000 thùng dầu mỗi ngày, nâng công suất hút dầu lên khoảng 20.000-28.000 thùng/ngày.
BP cho biết công nghệ đốt cháy rất hiệu quả và không tạo ra nhiều khói. Dự kiến việc đốt dầu sẽ diễn ra trong khoảng từ 4-6 tuần.
BP đặt mục tiêu tăng công suất hút dầu lên 40.000-53.000 thùng/ngày vào cuối tháng này và lên 60.000-80.000 thùng/ngày vào giữa tháng sau. Hiện mỗi ngày tập đoàn này hút được 15.000 thùng từ chiếc phễu chụp trên đoạn ống bị vỡ.
Trong bài phát biểu ngày 15/6 tại Phòng Bầu dục, được truyền hình trực tiếp trên các kênh thông tin lớn của Mỹ, Tổng thống Barack Obama khẳng định thảm họa tràn dầu cho thấy cần phải có chính sách năng lượng mới dựa trên các nguồn lực tái sinh và kêu gọi "sứ mệnh quốc gia" trong phát triển năng lượng sạch.
Theo ông Obama, cuộc chiến chống dầu loang hiện nay có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Vì vậy, trong cuộc gặp với giới chức BP tại Nhà Trắng ngày 16/6, ông sẽ đề nghị tập đoàn này thiết lập quỹ đặc biệt để chi trả cho hậu quả của vụ tràn dầu.
Trước đó, ông Obama đã có chuyến thị sát thứ tư tới Vịnh Mexico để đánh giá công tác khắc phục sự cố dầu loang.
Lo ngại thảm họa dầu loang từ Mỹ tràn vào vùng hải phận, Cuba đang chuẩn bị mọi biện pháp để đối phó và nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia Venezuela. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về thảm họa, đang diễn ra tại thủ đô La Habana, phía Cuba đã thông báo nhiều giải pháp để đương đầu với dải dầu loang, trong đó có việc giám sát chặt chẽ sự lan rộng của dầu và chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho người dân tại khu vực ven biển về vấn đề này.
Cuba khẳng định với lịch sử 100 năm khai thác dầu khí, Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) chắc chắn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn Cuba trong công tác ngăn chặn và xử lý dầu loang.
Hiện dải dầu loang đã tới vùng biển bang Florida của Mỹ và chỉ cách Cuba 90 hải lý./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.