(HNM) - Trong những ngày qua tại TP Hồ Chí Minh, nhiều vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra hết sức nghiêm trọng. Thế nhưng người dân vẫn thờ ơ với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhiều khu dân cư, nhà xưởng… đang đứng trước nguy cơ làm mồi cho lửa bất cứ lúc nào, bỏ mặc lời cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
Một vụ cháy tại khu dân cư. |
Hiểm họa rình rập
Nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc trên đường Hòa Hảo (phường 7, quận 1), chợ Simili - nơi chuyên kinh doanh buôn bán sỉ, lẻ nhiều mặt hàng như nệm mút, thảm lót sàn bằng chất liệu simili, bọt biển… những vật dụng thuộc dạng dễ bén lửa. Vậy mà tại nhiều điểm kinh doanh cả chủ lẫn khách hàng cứ vô tư "rít" thuốc lá. Đặc biệt, giữa muôn trùng hàng hóa dễ cháy còn có một bàn thờ ông địa khói nhang nghi ngút. Ông Lý Tự Châu - một tiểu thương tại chợ cho biết: Ở đây bà con buôn bán lâu năm, diện tích nhỏ, vừa để ở vừa để hàng nên đôi khi sơ suất. Tuy nhiên từ trước đến nay cả khu chợ này vẫn chưa xảy ra vụ nào liên quan đến cháy nổ.
Thêm nữa chúng tôi vẫn luôn đề cao cảnh giác và có đầy đủ dụng cụ chữa cháy. Chợ Kim Biên (quận 5) cũng kinh doanh nhiều mặt hàng dễ cháy nổ nhưng một số tiểu thương vẫn xem thường "bà hỏa". Tình trạng hút thuốc lá, đốt nhang đèn thờ cúng, trưng bày hàng hóa lấn chiếm lối đi, lối thoát hiểm và các cửa chính ra vào chợ, treo hàng hóa che khuất các phương tiện chữa cháy vẫn thường xuyên tái diễn. Theo bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên, Ban quản lý chợ thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở bà con nghiêm túc thực hiện các quy định PCCC, đồng thời làm cam kết không tự ý câu móc điện, sử dụng các vật liệu dễ cháy nổ, không thắp nhang thờ cúng và đốt giấy tiền vàng mã trong sạp, không hút thuốc lá trong phạm vi chợ. Tuy nhiên do thiếu ý thức nên một vài tiểu thương vẫn lén lút vi phạm.
Không riêng gì ở các chợ, xưởng sản xuất mà ngay cả các khu dân cư, đặc biệt là những khu chung cư cũ, tình trạng vi phạm quy định PCCC cũng rất phổ biến! Ông Nguyễn Tấn Nghiệp, Đội trưởng đội PCCC chung cư tái định cư An Dương Vương (phường 16, quận 8) thừa nhận: Hệ thống PCCC ở chung cư dù được trang bị khá đầy đủ, tuy nhiên từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã 5 năm vẫn chưa một lần được kiểm tra thay thế, dù nhiều dụng cụ chữa cháy không còn sử dụng được. Ngoài ra tại các chung cư cũ nát, xuống cấp luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao do hệ thống cảnh báo cháy gần như tê liệt, trong khi đó hệ thống điện được đấu nối chằng chịt. Tình trạng này cũng đã được người dân ở các chung cư cũ phản ánh liên tục nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Vấn đề cốt lõi: Nâng cao ý thức của người dân
Hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 200.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó có trên 5.000 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Ngoài ra còn có 3 khu chế xuất, 10 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, trên 227 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hơn 189 tòa nhà cao trên 10 tầng, hơn 1.000 khách sạn các loại và 53 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố, hiện đang có 9 chung cư cũ nát đều được xếp vào diện mất an toàn trong việc PCCC và nguy hiểm vào mùa mưa bão. Do đó, để hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Cảnh sát PCCC xây dựng hoàn chỉnh phương án chữa cháy đối với các cơ sở làm việc, kho tàng, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, đặc biệt là các chung cư cao tầng.
Theo Thượng tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC: Để bảo đảm an toàn và giảm thiểu cháy, nổ trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là địa bàn dân cư, các tòa nhà cao tầng điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc PCCC. Hiện thành phố vẫn còn nhiều chung cư cũ nát, lại nằm tập trung ở các khu dân cư đông đúc, nếu xảy ra hỏa hoạn rất khó trong việc ứng cứu. Do đó để bảo đảm an toàn, lực lượng PCCC thường xuyên diễn tập đưa ra các phương án tiếp cận, ứng cứu người dân khi có cháy xảy ra. Bên cạnh đó tiến hành tổ chức các hội thi, tuyên truyền khuyến cáo, ký kết bảo đảm an toàn PCCC đối với các chợ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp và hộ gia đình. Đồng thời kiểm tra an toàn PCCC tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại... trong việc quản lý và sử dụng nguồn điện, ga và các chất dễ cháy, nổ khác để bảo đảm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.