(HNM) -Sau những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, những ngày này gói thầu cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét - gói thầu số 3 của dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thi công cải tạo tuyến kênh mương thoát nước tại khu vực ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà (quận Ba Đình). Ảnh: Quang Duy |
Tại khu vực ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, không khí thi công cải tạo tuyến kênh mương thoát nước dài 1.200m (trong đó đoạn qua địa bàn phường Ngọc Hà là 1.000m, còn lại thuộc địa bàn phường Liễu Giai) rất sôi động. Lực lượng, phương tiện được Tổng Công ty (TCT) cổ phần Sông Hồng huy động ở mức cao nhất để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, bàn giao công trình vào cuối năm nay. Liên quan đến gần 1.000 hộ dân, công tác giải phóng mặt bằng được đặc biệt coi trọng. Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà Nguyễn Thành Quang cho biết, việc triển khai công trình này sẽ cải thiện đáng kể môi trường sống của người dân, giúp cho bộ mặt đô thị văn minh, nên cấp ủy, chính quyền phường đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ tự giác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho TCT triển khai thi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành việc đổ mặt cống và đang khẩn trương triển khai các hạng mục khác. Chỉ ít lâu sau, người dân sẽ được đi trên tuyến đường rộng 10m, phong quang, sạch sẽ, không còn phải chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông. Đặc biệt, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà cho biết: "Ngoài việc tập trung nhân lực, phương tiện kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đánh giá rất cao ý thức bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông của công nhân và Ban điều hành dự án. Do mật độ dân cư đông đúc, đơn vị thi công đã tranh thủ giờ thấp điểm, thậm chí thi công vào ban đêm để không làm ảnh hưởng tới người dân".
Theo kỹ sư Trần Lê Thông, Giám đốc Ban điều hành dự án thuộc TCT cổ phần Sông Hồng, không riêng tuyến kênh mương địa phận phường Ngọc Hà, 14 tuyến kênh mương còn lại TCT đảm nhận đều được triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Với quyết tâm giữ chữ "tín" và đóng góp phần công sức cho sự nghiệp phát triển của Thủ đô, TCT đã phát động phong trào thi đua trong toàn TCT nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình. Theo đó, đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động thuộc TCT đã cam kết và thể hiện quyết tâm hoàn thành các công trình đúng tiến độ, bảo đảm an toàn, chất lượng, khẳng định thương hiệu của TCT Sông Hồng. TCT đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mặt bằng được bàn giao tới đâu triển khai thi công ngay tới đó. Đơn cử như việc thi công tại đốt 1A, 1B tuyến mương gần Đài Truyền hình Việt Nam. Do vị trí thi công ngay sát đường Nguyễn Chí Thanh, có đông người dân sinh sống nên công nhân buộc phải làm đêm. Tuy nhiên, mọi công việc cũng chỉ được phép kéo dài đến 0h, vì vậy có thể nói, tinh thần làm việc được tập trung ở mức cao nhất. Chưa kể, điểm đào đắp nằm sát nhà dân, chỉ sơ sẩy một chút là có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để vừa thi công, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân" - kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng - giám sát kỹ thuật cho biết.
Theo kỹ sư Trần Lê Thông, với tổng vốn đầu tư hơn 503 tỷ đồng, chính thức khởi công ngày 8-3-2011, gói thầu số 3 có quy mô trải rộng trên 15 tuyến kênh mương thuộc 6 quận và 1 huyện. Mục tiêu của gói thầu là cải tạo kênh mương (mạng cấp II) kết nối giữa hệ thống cống trong thành phố (mạng cấp III) với hệ thống sông nội thành đã được cải tạo (mạng cấp I). Gói thầu hoàn thành sẽ phát huy năng lực tiêu thoát nước mưa lưu vực sông Tô Lịch, cải thiện môi trường khu vực kênh mương đi qua, ngoài ra còn góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu dân cư thông qua cải tạo, cống hóa kênh mương kết hợp với xây dựng đường giao thông trên cống. Có thể khẳng định, đây là gói thầu lớn nhất trong dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường và giao thông trên địa bàn Thủ đô.
"Mong muốn được góp sức cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị của Thủ đô nên dù quá trình thi công gặp khó khăn, nhiều tuyến không tập trung, đi qua địa bàn nhiều quận, huyện, chưa kể còn một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện thi công chỉ cho phép trong mùa khô… song chúng tôi đã và đang khắc phục để bàn giao công trình đúng tiến độ" - Giám đốc Ban điều hành dự án Trần Lê Thông khẳng định. Để minh chứng cho thành ý của mình, TCT đã nghiên cứu, tìm biện pháp thi công khoa học, hợp lý, kết hợp với tập trung cao độ về lực lượng thi công, cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, máy móc hiện đại và cả nguồn lực tài chính để triển khai các hạng mục.
Những người dân Thủ đô có dịp đi trên tuyến đường Nguyên Hồng sạch sẽ, rộng rãi, chắc không thể nghĩ rằng đang đi trên hệ thống kênh mương thoát nước của Hà Nội. Sẽ là hoàn chỉnh nếu như nhà văn hóa và một lều của người dân được giải tỏa, bàn giao nốt mặt bằng cho TCT hoàn thiện tuyến đường. Đáng tiếc là điều đó chưa xảy ra. Và, không riêng tuyến này, đơn vị thi công đang vấp phải khó khăn do mặt bằng thi công được bàn giao theo kiểu "xôi đỗ", vì không ít tuyến hiện còn vướng về giải phóng mặt bằng. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực thực hiện đúng cam kết về tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của nhà thầu, hy vọng trong thời gian sớm nhất, các cấp chính quyền tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công để dự án kịp thời đưa vào sử dụng, phục vụ công cuộc phát triển của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.