(HNM) - Mùa bóng mới ở Châu Âu chính thức bắt đầu từ cuối tuần qua, không thể hấp dẫn hơn với trận đấu sớm vòng 1 giải bóng đá Ngoại hạng Anh 2015-2016 giữa hai CLB hàng đầu là Manchester United và Tottenham.
Ít ngày tới, những giải bóng đá khác tại Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… cũng sẽ bắt đầu, dù không hấp dẫn bằng giải ở Anh trong mắt đa số người hâm mộ nước nhà nhưng cũng là món ăn tinh thần được nhiều người chú ý. Đó là chuyện liên quan đến nhu cầu giải trí, còn với túi tiền của người Việt Nam, những giải đấu đó có liên quan gì? Tất nhiên là có, thông qua vấn đề bản quyền truyền hình trực tiếp những trận đấu diễn ra trong khuôn khổ các giải bóng đá nói trên.
Nhìn vào sự biến động về quyền sở hữu bản quyền truyền hình trực tiếp 5 giải vô địch bóng đá hàng đầu Châu Âu trong gần chục năm qua, thấy rõ khán giả truyền hình Việt Nam, đặc biệt là người hâm mộ bóng đá đã phải chạy theo các nhà đài trong một cuộc đua không cân sức mà phần thua, phần bị động bao giờ cũng thuộc về họ. Chỉ tính riêng giải bóng đá Ngoại hạng Anh, trong quãng thời gian nói trên, người ta thấy bản quyền truyền hình trực tiếp các trận đấu chạy một vòng từ VTV, VTC sang VSTV (đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+). Hình ảnh trực tiếp về giải bóng đá Đức, Italia mùa bóng năm ngoái còn trên sóng K+, VTVcab và nhiều đài khác, năm nay là món độc quyền của SCTV. Khi bản quyền truyền hình chuyển quyền độc quyền từ đài này sang đài khác, điều đó đồng nghĩa với việc một số khán giả sẽ phải chuyển thuê bao dịch vụ nếu muốn tiếp tục theo dõi giải đấu mà mình yêu thích. Kèm theo sự thay đổi này tất nhiên là sự phiền toái mà họ phải gánh chịu - ở dạng này hay dạng khác, về thời gian, tiền bạc, thói quen, việc lắp đặt thiết bị mới...
Điều quan trọng là thể theo những gì đã diễn ra trong khoảng thời gian nói trên, khán giả truyền hình và người hâm mộ bóng đá nói riêng rất khó biết bao giờ thì họ thoát cảnh phải đuổi theo sự "đỏng đảnh" của các nhà đài. VTVcab, sau khoảng thời gian có bản quyền giải Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, năm nay có khả năng "mất trắng" giải Pháp, Đức, Italia vào tay SCTV. VTC từng độc quyền giải Anh, giờ không còn có những gói bản quyền đáng giá nữa. K+ vừa có gói bản quyền giải Tây Ban Nha trong 3 năm tới nhưng những gói bản quyền "độc" của giải Anh mà họ nắm giữ chỉ còn thời hạn 1 năm, không rõ sang năm có mua được gói này trong giai đoạn 2016-2019 hay không… Khán giả phải chạy theo nhà đài, thường xuyên đối diện với khả năng thay thiết bị nếu muốn theo đuổi niềm đam mê - một sự lãng phí đích thực. Sự vất vả đến với người xem là bởi các đài thường không muốn chia sẻ những gói bản quyền hấp dẫn, ít nhất là với đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có lý do để không "buông" gói bản quyền truyền hình thể thao hấp dẫn cho ai khác, nhằm củng cố thương hiệu và tăng số thuê bao. Tuy nhiên, từ góc độ lợi ích chung của khán giả và nhà kinh doanh, trong bối cảnh giá bản quyền truyền hình các giải bóng đá hàng đầu Châu Âu và thế giới có sự tăng mạnh, điều cần thiết là tìm ra giải pháp dung hòa quyền lợi giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ với nhau và giữa họ với khách hàng. Cần có cách tính toán thế nào đó để đơn vị có gói bản quyền chất lượng chia sẻ bản quyền với các đơn vị khác mà vẫn bù đắp được khoản tiền mà họ đã bỏ ra để mua các gói độc quyền. Sự chia sẻ giữa các đài không chỉ giúp khán giả tiết kiệm thời gian, tiền bạc, mở rộng quyền tiếp cận với chương trình mình yêu thích, mà còn giúp các đài tránh lâm vào cảnh cạnh tranh gay gắt trong việc mua bản quyền, dẫn đến việc đẩy giá mua lên quá cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.