(HNM) - Sau hơn 2 tháng "gồng mình" ứng phó với đại dịch Covid-19, châu Âu đang từng bước mở cửa các nền kinh tế nhằm hồi sinh ngành Du lịch, lĩnh vực vốn chịu nhiều tổn thất nhất do dịch bệnh.
Vào dịp này hằng năm, các quốc gia ở châu Âu bắt đầu bước vào mùa du lịch, đón một lượng lớn du khách quốc tế với khoảng 360 triệu lượt khách, mang lại nguồn thu xấp xỉ 150 tỷ euro. Được coi là ngành kinh tế mũi nhọn tại nhiều quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), du lịch đóng góp tới 10% GDP của châu Âu và hỗ trợ 23 triệu việc làm. Tại một số quốc gia như Hy Lạp, Malta, tỷ trọng của ngành Du lịch trong GDP còn lên tới 20-25%. Đối với Tây Ban Nha và Italia, hai tâm dịch Covid-19 lớn nhất tại châu Âu, đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế cũng ở mức lần lượt là 14% và 13%.
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành Du lịch châu Âu vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Covid-19 khiến ngành Du lịch châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn, biên giới đóng cửa, hàng không tạm dừng khai thác, người yêu thích du lịch phải ở nhà. Nghiêm trọng hơn là các hãng du lịch có nguy cơ phá sản và nhiều nền kinh tế phụ thuộc du lịch bị tàn phá.
Theo tính toán của Hội đồng Du lịch châu Âu, các doanh nghiệp lữ hành trong EU sẽ tổn thất khoảng 70% doanh thu, các hãng hàng không tổn thất tới 90%, và ước tính toàn bộ ngành Du lịch châu Âu có thể thiệt hại tới 400 tỷ euro trong mùa du lịch năm nay.
Chính vì thế, ngay khi thực hiện nới lỏng lệnh phong tỏa, nhiều quốc gia châu Âu cùng hướng tới mục tiêu chung là phục hồi ngành Du lịch cho dù trên thực tế việc làm này là không dễ. Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội bộ của EU, kêu gọi thực hiện "kế hoạch Marshall" (kế hoạch tái thiết) dùng nguồn quỹ từ các gói kích thích kinh tế của châu Âu để phục hồi chuỗi khách sạn, nhà hàng và hoạt động lữ hành.
Ông Gari Cappelli, Bộ trưởng Bộ Du lịch của Croatia, người chủ trì cuộc họp của Hội đồng EU cho rằng, châu Âu cần một kế hoạch chung để tái thiết ngành Du lịch, theo đó vừa thúc đẩy ngành này tăng trưởng, vừa có thể quản lý được rủi ro trên phạm vi toàn Liên minh. Kế hoạch này có thể thiết lập theo từng bước, bắt đầu bằng việc các quốc gia dỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước, tiếp đến mở cửa biên giới trong nội bộ EU. Khi tình hình y tế được cải thiện phải tính ngay đến việc mở cửa biên giới cho các quốc gia ngoài khối.
Ngày 13-5, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đề xuất những nước có cùng mức độ dịch trong EU nên mở cửa cho nhau, để từ đó khôi phục việc di chuyển tự do trong toàn bộ 27 nước thành viên. Kế hoạch của châu Âu cũng vạch ra lộ trình phát triển quy trình an toàn và y tế đối với các hoạt động tại bãi biển, khách sạn, khu cắm trại và nhà hàng để bảo vệ khách hàng và nhân viên.
EU cũng đưa ra khuyến cáo với người dân và du khách về việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như: Bảo đảm độ giãn cách xã hội, sử dụng thiết bị bảo hộ như khẩu trang... Các chương trình du lịch hấp dẫn cũng sẽ được hoạt động trở lại, coi đó là biện pháp kích cầu.
Một số quốc gia cũng đã đề xuất các biện pháp đơn lẻ như Hy Lạp xem xét cho phép khách du lịch nhập cảnh theo “Hộ chiếu y tế”, Áo tiếp nhận khách du lịch từ những quốc gia trong khối Schengen có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp, hay Bỉ xem xét việc cấp thẻ cho phép du khách tới một số bãi biển…
Ngày 13-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất. Trong bối cảnh đó, việc các quốc gia EU nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thúc đẩy ngành Du lịch hồi sinh là việc nên làm nhưng vẫn cần hết sức thận trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.