(HNM) - Căng thẳng giữa Mỹ và Châu Âu vì bê bối nghe lén vẫn chưa được giải quyết thì tuần qua, ngoại giao thế giới thêm một lần dậy sóng liên quan tới cựu nhân viên kỹ thuật tình báo Mỹ Edward Snowden.
Không bằng lòng với việc bị Washington theo dõi bí mật, song một loạt quốc gia Châu Âu đã ngăn cản chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales bay qua hoặc hạ cánh tiếp nhiên liệu trên đường trở về từ Nga, vì nghi ngờ Snowden có trên máy bay. Đồng loạt bị Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bất ngờ rút phép khi đã tiến gần không phận Pháp, Tổng thống E.Morales đã buộc phải chọn Áo để hạ cánh khẩn cấp mà không quay lại Mátxcơva. Theo ông, nếu trở lại thì những kẻ tung tin bịa đặt sẽ tiếp tục xuyên tạc rằng ông đã phải trả "kẻ lộ tin mật" Edward Snowden về Nga.
Người dân Bolivia biểu tình đòi được tôn trọng trước Đại sứ quán Pháp ở thủ đô La Paz (Bolivia). |
Ngay lập tức, sự việc đã khiến nhiều quốc gia Nam Mỹ nổi giận. Hội đồng Thường trực của Tổ chức Các nước Châu Mỹ (OAS) đã triệu tập một phiên họp bất thường để thảo luận về vụ đóng cửa bầu trời đối với chuyên cơ của ông E.Morales. Lãnh đạo cánh tả các nước Mỹ Latinh đã thể hiện tình đoàn kết với Bolivia khi có cuộc gặp để phản đối việc "không thể thanh minh" trên. Nhiều lãnh đạo Nam Mỹ đã lên tiếng bất bình cùng với Bolivia và cho rằng hành động của các nước Châu Âu đối với tổng thống của một quốc gia có chủ quyền không chỉ xúc phạm Bolivia mà là cả Mỹ Latinh. Tổng Thư ký Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) Ali Rodriguez Araque cảnh báo việc Tổng thống E.Morales bị một số nước Châu Âu rút phép quá cảnh ảnh hưởng tới quan hệ giữa Nam Mỹ và Châu Âu, trước mắt là đặt các hội nghị thượng đỉnh Iberoamerica (tập hợp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các quốc gia từng là thuộc địa của hai nước này tại Mỹ Latinh) trước nguy cơ không thể tổ chức được. Nhà lãnh đạo Unasur khẳng định không thể coi hành động "xúc phạm" trên là một điều bình thường.
Không chỉ Châu Âu là tâm điểm của sự chỉ trích, Mỹ cũng bị gánh búa rìu dư luận khi Tổng thống Bolivia E.Morales cho rằng Washington đã đứng sau hành động từ chối mở không phận của một số nước Châu Âu. La Paz không ngần ngại tuyên bố đang xem xét và có thể sẽ cho đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Bolivia nếu cần thiết. Những cảnh báo về xem xét quan hệ ngoại giao tương tự với Mỹ cũng được Venezuela đưa ra. Không dừng ở những lời cảnh báo, 3 nước Mỹ Latinh là Bolivia, Venezuela và Nicaragoa đã đồng loạt tuyên bố cho phép Snowden tị nạn nhân đạo.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, rất khó để Snowden có thể sang được Mỹ Latinh và nếu điều này xảy ra thì chắc chắn lại có thêm một cuộc chiến ngoại giao nữa giữa Mỹ và nhiều quốc gia Nam Mỹ. Việc Snowden, người đang bị Mỹ tìm bắt gắt gao vì được coi là một kẻ phản bội, đã xin tị nạn tại hơn 20 nước nhưng hầu hết đều lắc đầu cho thấy rõ ràng việc tạo nơi ẩn náu cho "người vạch mặt" này sẽ để lại nhiều rắc rối thế nào. Theo thông tin từ trang web WikiLeaks, cựu nhân viên tình báo CIA 29 tuổi đã tiếp tục gửi đơn xin tị nạn đến 6 nước nữa, lần này vì sợ Mỹ can thiệp nên anh ta không nói rõ đó là những nước nào. Thế nhưng, đến nay Snowden vẫn bặt vô âm tín dù được cho là vẫn chưa rời khỏi sân bay ở Mátxcơva.
Chưa biết các chương trình nghe lén và theo dõi có thể mang lại bao nhiêu lợi ích, song nó liên tiếp gây ra những rắc rối giữa Mỹ và các đồng minh cũng như với hàng loạt quốc gia dường như không có mấy liên quan. Trong khi số phận của Snowden còn chưa rõ sẽ ra sao thì vụ chặn máy bay của Tổng thống Bolivia E.Morales rõ ràng đã đặt Mỹ Latinh và Lục địa già trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Tuy nhiên, chắc chắn các bên liên quan sẽ có những động thái “giảm nhiệt” căng thẳng bởi dẫu sao, vụ việc hy hữu này không xuất phát từ sự xung đột những lợi ích cốt lõi của các nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.