Ngày 27-2, hàng trăm trường học tại Anh phải đóng cửa do trời lạnh và tuyết dày. Sáng 26-2, cư dân thủ đô Roma của Italia tỉnh dậy đầy ngỡ ngàng khi cả thành phố bị phủ dày tuyết.
Người dân Rome bất ngờ khi thấy tuyết phủ trắng thành phố. Ảnh: CNN. |
Theo Trung tâm Dự báo thời tiết của Anh, ngày 27-2, hàng trăm trường học ở Anh đã phải đóng cửa, giao thông bị tắc nghẽn do nhiệt độ khắp nước Anh xuống mức âm 4 độ C, thậm chí âm 8 độ C. Còn ở Rome, nhiệt độ trung bình cao trong cả tháng 2 là 13 độ C và trung bình thấp là âm 4 độ C. Trong tháng 3, nhiệt độ cao ở Rome sẽ ở mức 15,2 độ C và thấp là 5,2 độ C.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nhiệt độ khắc nghiệt này được gọi là “quái vật từ phương Đông”, là kết quả của những đợt gió lạnh thổi từ Sibera lan ra khắp Châu Âu. Hiện tượng tuyết ở Rome là bất thường và chưa có tiền lệ. Đây có thể là đợt lạnh nhất tại Rome trong 5 năm qua.
Theo ông Becky Mitchell, chuyên gia khí tượng học của Anh, khối khí lạnh quy mô lớn này là hậu quả của sự nóng lên ở tầng bình lưu ở Bắc Cực hai tuần trước đây. Đợt giá lạnh này di chuyển sâu xuống phía nam như Tây Ban Nha và thậm chí các vùng phía bắc của Tây Ban Nha như Barcelona cũng sẽ có tuyết. Đảo Corsica của Pháp ở Địa Trung Hải trong ngày 26-2 cũng bị tuyết phủ dày 10 cm khi nhiệt độ xuống âm 2,3 độ C. Đợt giá lạnh này được cho rằng sẽ kéo dài hết tuần này và đỉnh điểm là ngày thứ năm.
Ông Mitchell cho biết, đợt giá lạnh này khiến cho nhiệt độ nước Anh ban đêm xuống âm 15 độ C. Tuyết rơi cộng với các đợt gió lạnh đã khiến cho nhiều phần của nước Anh lạnh như Bắc Cực.
Giao thông hỗn loạn, tê liệt khắp Châu Âu
Đường phố nước Anh trong hai ngày qua như một tấm chăn tuyết. Nhiều tuyến đường bị ách tắc. Hàng dãy dài xe con, xe tải nối đuôi nhau trên đường cao tốc và đứng im nhiều giờ. Cảnh sát đã phải thông báo về các điều kiện lái xe tồi tệ và đóng cửa một số tuyến đường.
Các chuyến tàu trên khắp nước Anh bị ảnh hưởng bởi tuyết rơi, hoặc phải tạm hoãn hoặc chuyển hướng. Tuyết phủ dày ở Kent khiến cho giới chức thành phố này phải đưa ra cảnh báo khẩn cấp về mưa tuyết, nhưng lại bị buộc tội gây hoang mang cho dân chúng. Trong tình hình giá lạnh kéo dài, các quầy bán bánh mì đã hết veo.
Tại Bỉ, thị trưởng thành phố Etterbeek, giáp thủ đô Brussels, đã kêu gọi những người vô gia cư vào nhà lánh nạn. Ông yêu cầu cảnh sát buộc những người không muốn vào trú ở nơi lánh nạn để bảo đảm an toàn tính mạng cho họ. Thị trưởng thành phố Brussels cũng có hành động tương tự. Ông còn yêu cầu cảnh sát ưu tiên trẻ nhỏ.
Các quan chức Lithuania cho biết, nhiệt độ lạnh khắc nghiệt đã cướp đi sinh mạng của ít nhất ba người dịp cuối tuần qua ở Vilnius, bảy người khác được điều trị kịp thời khi bị lạnh cóng. Trong khi đó, cơ quan dự báo thời tiết Estonia dự báo, đợt lạnh này sẽ còn kéo dài suốt tuần này ở khu vực Baltic với nhiệt độ thấp nhất có thể xuống âm 29 độ C.
Theo các nhà khoa học, đợt lạnh khủng khiếp này chắc chắn đến từ hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Nhà khoa học thời tiết Ruth Mottram của Viện Khí tượng Đan Mạch cho rằng, chưa bao giờ thời tiết lại khắc nghiệt đến vậy. Một nghiên cứu từ năm 1973 tới nay cho thấy, hiện tượng băng tan ở Bắc Cực có thể sẽ làm nhiệt độ các khu vực đi sâu về phía nam ngày càng lạnh hơn.
Mặc dù Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 đã được gần 200 quốc gia nhất trí hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, nhưng theo tài liệu rò rỉ từ các nhà khoa học Mỹ, lượng băng tan ở Bắc Cực vẫn ngày càng tăng. Họ cho rằng, khí hậu đang thay đổi ngay trước mắt chúng ta mà chúng ta có rất ít thời gian để ngăn chặn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.