(HNM) - Liên minh Châu Âu (EU) không thể ngăn dòng người di cư từ Trung Đông và Châu Phi đổ tới nên đã phải miễn cưỡng cho phép một số quốc gia tham gia Hiệp ước về tự do đi lại Schengen (Hiệp ước Schengen) tái kiểm soát biên giới trong 2 năm để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
Để hạn chế người nhập cư, EU đã cho phép một số quốc gia tái kiểm soát biên giới trong 2 năm. |
Quyết định cuối cùng về việc đóng cửa một phần biên giới tại Cựu lục địa sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Châu Âu (EC).
Người phát ngôn của EC Natasha Bertaud cho biết: Nếu tình hình không thay đổi thì việc duy trì kiểm soát nội bộ tại các quốc gia thuộc khối Schegen nhằm bảo vệ an ninh, trật tự xã hội là hoàn toàn hợp lý. Các quốc gia thành viên cần thông báo tới EC trước khi nối lại hoạt động kiểm soát biên giới. Nếu Bộ trưởng Nội vụ các nước EU nhất trí kéo dài việc kiểm soát biên giới - theo Điều 26 trong Bộ quy tắc đi lại qua biên giới các nước tham gia Hiệp ước Schengen - thì việc này có thể được gia hạn tối đa tới cuối năm 2017.
Hơn 1 triệu người di cư đã tới Châu Âu trong năm 2015. Hầu hết là người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II tại Lục địa già. Không chỉ "đem đến" gánh nặng kinh tế, sự khác biệt về văn hóa, xã hội, nhận thức và tôn giáo, cuộc khủng hoảng đang gây mâu thuẫn khó hàn gắn giữa người di cư và cộng đồng bản địa. Vụ khủng bố Paris hôm 13-11-2015; vụ người nhập cư quấy rối hàng trăm phụ nữ Đức ngay trong đêm Giao thừa vừa qua...đã khoét sâu thêm những mâu thuẫn vốn có.
Thế nên, việc EU thắt chặt chính sách nhập cư là dễ hiểu. Các biện pháp thắt chặt nhập cư đã bắt đầu từ cuối năm ngoái và được nhiều nước áp dụng trong những ngày đầu năm nay. Tuy nhiên, có luồng dư luận cho rằng: Kiểm soát biên giới trong khối Schengen sẽ là bước đầu dẫn đến sự sụp đổ của khối tự do đi lại lớn nhất thế giới - một biểu tượng đoàn kết, tự do và thịnh vượng của Châu Âu. Trong đó, cho phép người dân ở các quốc gia nội khối tự do đi lại, không cần thị thực và hộ chiếu.
Hiệp ước Schengen được xem là một trong những thành công lớn nhất của EU khi cho phép các quốc gia và công dân của Châu Âu xích lại gần nhau hơn. Nhưng, tất cả dường như đã thay đổi khi cuộc khủng hoảng di cư tràn tới. Và, Hiệp ước Schengen trở thành "gót chân Asin" buộc nhiều quốc gia thành viên phải cảnh giác và "đổi ý". Cựu Chủ tịch EC José Manuel Barroso, từng khẳng định mở rộng biên giới sẽ thúc đẩy thương mại và du lịch của Châu Âu, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế khu vực.
Du lịch hiện chiếm khoảng 4% kinh tế EU và được dự đoán sẽ tăng lên 11% trong thời gian tới. Đối với những du khách cần phải có thị thực trước khi vào EU, Hiệp ước Schengen đã giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Do đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble từng nhận định, nếu hệ thống Schengen đổ vỡ sẽ gây nguy hiểm đáng kể cho Châu Âu, cả về chính trị và kinh tế.
Còn Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz cảnh báo, tác động của việc đóng cửa biên giới sẽ là "thảm khốc". Bởi nếu xe chở hàng phải chờ hàng giờ tại biên giới nội khối Châu Âu, thì một số ngành sản xuất sẽ phải dừng lại. Tình hình hiện nay đã khiến các công ty vận tải đội chi phí thêm 3 tỉ euro/năm. Nếu các biện pháp kiểm soát biên giới lại được áp dụng thì chi phí sẽ tăng lên đến 10 tỉ USD...
Không phải cả Châu Âu muốn thắt chặt kiểm soát biên giới. Sự kiện "đóng cửa" biên giới từng phần ngay trong những ngày tuyết rơi dày này tại Cựu lục địa dường như chỉ là một giải pháp tình thế trong cơn khẩn cấp. Dòng người di cư đổ vào Châu Âu đang vượt lên khả năng kiểm soát của từng quốc gia đơn lẻ. Đây là lý do, EU buộc phải để một số quốc gia tham gia Schengen tái kiểm soát biên giới trong 2 năm như một cách bảo vệ một Châu Âu không biên giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.