(HNM) - Cuộc khủng hoảng người nhập cư, tương lai mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ hay vấn đề Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu)... là những thách thức đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) ở Malta cuối tuần qua.
Các nhà lãnh đạo EU tề tựu đông đủ tại Malta để tìm giải pháp cho những thách thức của Liên minh hiện nay. |
Đây là hội nghị mới nhất trong một loạt những hội nghị khẩn cấp được triệu tập kể từ khi nước Anh quyết định rời EU hồi tháng 6 năm ngoái, cùng với đó là sự kiện ông D.Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ càng củng cố quan điểm cho rằng EU đang ở vào một thời khắc quyết định trong lịch sử tồn tại. Phần đầu của Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này có sự tham dự của tất cả 28 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên, tập trung vào cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Các bên thảo luận giải pháp hạn chế dòng chảy tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi đổ về Châu Âu.
Trong năm 2016, dòng người từ Libya vào Italia trở thành vấn đề cấp bách nhất đối với EU sau khi khối này ngăn chặn được 98% số người nhập cư vào Hy Lạp qua đường Thổ Nhĩ Kỳ thông qua thỏa thuận di cư ký kết với Ankara. Hầu hết trong số 181.000 người vào Italia qua Libya đều là người nhập cư trái phép, khác với những người tị nạn tới Hy Lạp từ Syria.
Thế nên, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này, lãnh đạo các nước EU đã nhất trí về kế hoạch hành động nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt từ Libya vào Châu Âu qua Địa Trung Hải. Theo đó, kế hoạch nhấn mạnh các ưu tiên bao gồm đào tạo, trang bị và hỗ trợ cho các lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya, nỗ lực triệt phá các đường dây buôn người, hỗ trợ phát triển các cộng đồng địa phương tại quốc gia Bắc Phi, tăng cường khả năng đáp ứng điều kiện sống cho người di cư ở Libya và hỗ trợ các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về người di cư.
EU sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho kế hoạch này thông qua các gói viện trợ phát triển (ODA) dành cho Châu Phi trị giá 31 tỷ euro. Tuy nhiên, mục tiêu cốt lõi của kế hoạch này là ngăn dòng người di cư ngay trong lãnh hải Libya đã vấp phải sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền. Họ cảnh báo việc này sẽ đẩy phụ nữ và trẻ em phải đối mặt với điều kiện sống tồi tệ ở các trại tị nạn và nguy cơ xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột lao động hoặc bị buộc phải hồi hương. Đặc biệt, trong năm 2017, vấn đề người tị nạn tại Châu Âu chắc chắn vẫn khó khăn bởi nhiều yếu tố.
Nguồn gốc của làn sóng di cư vẫn chưa được giải quyết khi xung đột, bất ổn định vẫn tiếp diễn ở các khu vực Trung Đông, Bắc Phi, sát nách với Châu Âu. Sự kiện Mỹ, Nga và các đồng minh đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq, Syria khiến hàng chục vạn người phải chạy tị nạn và đích đến hàng đầu vẫn là Lục địa già. Cùng với đó, thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề điều tiết lượng người tị nạn sang Châu Âu đang có nguy cơ bị hủy bỏ do mâu thuẫn giữa hai bên trong việc thực hiện cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ sang Châu Âu.
Ngoài di cư, Hội nghị Thượng đỉnh Malta còn tập trung tìm cách khắc phục các vấn đề sau khi Anh rời EU và định hướng quan hệ giữa Brussels với London trong tương lai. Đồng thời, hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết đoàn kết các quốc gia trong khối trước nguy cơ rạn nứt bởi nhiều nước Châu Âu đang có cách tiếp cận khác nhau đối với chính quyền mới của Mỹ. Minh chứng là trong lúc Chính phủ Anh đang từng bước thúc đẩy hợp tác với Mỹ thì các đầu tàu EU như Đức và Pháp lại có khuynh hướng phản đối chính sách của ông chủ Nhà Trắng. Theo Tổng thống Pháp Francois Hollande, chính quyền mới của Mỹ đang "khuyến khích" sự lan rộng chủ nghĩa dân túy, thậm chí chủ nghĩa cực đoan. Trái lại, các động thái mới của Washington lại nhận được sự ủng hộ từ các đảng cực hữu và chính phủ một số nước Châu Âu, bao gồm lãnh đạo Hungary và Ba Lan.
Dù đang nỗ lực vực lại liên minh trước một loạt thách thức hiện nay, nhưng các thành viên EU vẫn tiếp tục chia rẽ trong việc chia sẻ trách nhiệm và thống nhất giải pháp và bản thân nội bộ các nước cũng bị phân hóa sâu sắc trước vấn đề người tị nạn. Vì thế, khối thống nhất của Lục địa già vẫn phải đối mặt với những thử thách rất lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.