(HNM) - Gần 2 tháng kể từ khi Liên minh Châu Âu (EU) tiến hành cuộc bầu cử Nghị viện (EP) - bước quan trọng trong quá trình thực thi Hiệp ước Lisbon - thế nhưng, 28 thành viên trong ngôi nhà chung vẫn chưa thể thống nhất về một số vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo.
Các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về một số vị trí chủ chốt trong liên minh. |
Sau rất nhiều tranh cãi, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối tuần trước, EP khóa mới đã bầu cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker làm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) nhiệm kỳ 5 năm. Đây là lần đầu tiên, EP giữ quyền quyết định bầu chọn Chủ tịch EC theo sau cuộc cải tổ Hiến pháp EU. Vì vậy, bất chấp những phản đối gay gắt trước đó của Thủ tướng Anh David Cameron, với cơ chế mới, cựu Thủ tướng Luxembourg đã vững vàng bước vào cương vị mới với sự ủng hộ mạnh mẽ (422 trong tổng số 751 ghế tại EP). Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả khiêm tốn mà hội nghị đạt được. Các thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) đã thất bại trong việc đi đến thống nhất về 2 vị trí lãnh đạo quan trọng của liên minh là Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC).
Nguyên nhân dẫn tới bế tắc trong việc lựa chọn 2 vị trí này là do sự phản đối của lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu đối với việc lựa chọn nữ chính khách Italia Federica Mogherini làm Cao ủy chính sách đối ngoại. Các nước vùng Baltic cho rằng, ứng cử viên F.Mogherini còn thiếu kinh nghiệm về đối ngoại. Trong khi đó các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu lo ngại rằng, bà F.Mogherini có thể sẽ quá mềm mỏng với Nga vì các mối quan hệ kinh tế của Rome với Mátxcơva. Những đề cử tiềm năng mà Trung và Đông Âu cho vị trí này là Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski và Cao ủy Liên minh Châu Âu về phát triển Kristalina Georgieva (người Bulgaria). Cùng với đó, dù Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt nhận được sự ủng hộ rộng rãi với cương vị Chủ tịch EC, người sẽ chủ tọa các hội nghị thượng đỉnh định kỳ của khối. Tuy nhiên, Pháp lại phân vân với đề cử này khi cho rằng, Đan Mạch chưa phải thành viên của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Euro zone). Bất đồng trong lựa chọn các vị trí lãnh đạo chủ chốt buộc các nước thành viên EU phải hoãn đưa ra quyết định và lùi thời gian đưa ra lựa chọn cuối cùng cho tới khi nhóm họp trở lại vào ngày 30-8 tới.
Hiện tại, đã dấy lên mối lo ngại vì Cựu lục địa thiếu vắng các vị trí lãnh đạo chủ chốt sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai các chính sách của EU sắp tới, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại khi quan hệ giữa liên minh với Nga đang lâm vào khủng hoảng mà điểm đỉnh là vụ MH17 đang phủ bóng lên toàn thế giới. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bắt đầu nổ ra cuối năm 2013, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập Crimea, cuộc tranh luận về cách thức phản ứng trước các động thái của Mátxcơva đã làm bộc lộ sự chia rẽ trong EU. Sự khác biệt sâu sắc trong lợi ích chiến lược của các nước được cho là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới các quyết định chính sách cứng rắn của từng thành viên đưa ra với Nga. Trong khi các quốc gia Trung và Đông Âu (như Ba Lan và Litva) đòi hành động mạnh mẽ hơn thì các quốc gia Tây Âu như Đức và Italia lại quan tâm đến việc giữ mối quan hệ thương mại và năng lượng với Mátxcơva. Dù vòng trừng phạt mới đã được phê chuẩn tại Hội nghị Thượng đỉnh mới nhất (cuối tuần qua) nhưng điều này chỉ diễn ra sau nhiều tuần "thương lượng" và các biện pháp trừng phạt cũng né những lĩnh vực nhạy cảm với kinh tế Nga.
Bên cạnh đó, một hệ thống lãnh đạo chưa ổn định cũng khiến các nhà đầu tư không khỏi lo ngại trong bối cảnh những diễn biến mới liên quan đến bất ổn hệ thống ngân hàng của Euro zone đang trở thành vấn đề đáng quan tâm. Đặc biệt, những dấu hiệu về sự mất ổn định của hệ thống ngân hàng ở Bulgaria và Bồ Đào Nha gần đây đã làm gia tăng nghi ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới ở Châu Âu sau những nỗ lực củng cố hệ thống ngân hàng suốt 3 năm qua.
Những gì đã và đang diễn ra cho thấy, dù Hiệp ước Lisbon - văn kiện được đánh giá là một thành tựu về cải cách thể chế quyền lực EU có hiệu lực từ năm 2009 - Cựu lục địa vẫn còn không ít thách thức để hoàn thiện lộ trình nhất thể hóa như kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.