Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu: Chông chênh gánh nợ

Quỳnh Chi| 04/05/2013 07:13

(HNM) - Từng được kỳ vọng là năm bản lề đối với nền kinh tế Châu Âu, tuy nhiên 4 tháng đầu năm 2013 đã trôi qua, Cựu lục địa vẫn ì ạch với vòng luẩn quẩn thâm thủng và suy thoái.

Tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt trong giới trẻ đang là vấn đề nghiêm trọng tại Châu Âu.


Mới đây, Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo Tây Ban Nha và Slovenia phải nhanh chóng giải quyết vấn đề mất cân bằng kinh tế vĩ mô quá mức vì đây là hai nước có tình hình tài chính tồi tệ nhất trong số 13 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) hiện nằm trong danh sách "cần được kiểm soát chặt chẽ". Cho đến thời điểm hiện nay, xứ sở Bò tót đã phải sử dụng đến khoản cứu trợ từ các nhà tài trợ quốc tế để cứu hệ thống ngân hàng. Còn Slovenia nhiều khả năng trở thành nước thứ sáu trong Eurozone phải xin cứu trợ để giải quyết nợ công. 11 nền kinh tế EU khác hiện cũng đang đối mặt với sự "mất cân bằng kinh tế vĩ mô" là Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Pháp, Italia, Hungary, Manta, Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển và Anh. Trong số đó, Pháp được EC xem là dễ bị tổn thương nhất khi nợ công của nước này lên tới trên 90% GDP. Xét cả về quy mô lẫn vị trí địa - kinh tế, núi nợ ngày càng phình to của Pháp đang đặt ra cho Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) một thách thức lớn.

Đáng nói là cho đến thời điểm này, ít sự lựa chọn nào có thể thay thế các chính sách cắt giảm ngân sách đang được áp dụng trên toàn châu lục. Nhiều lãnh đạo Cựu lục địa, đi đầu là Đức luôn khẳng định các chương trình kích thích kinh tế không đi kèm với "thắt lưng buộc bụng" chỉ làm gia tăng gánh nặng nợ công và khiến tình trạng thâm hụt ngân sách vượt khỏi vòng kiểm soát. Tuy nhiên, với các nhà kinh tế, "thắt chặt hầu bao" lại chính là "khắc tinh số một" của tăng trưởng. Ít ai có thể ngờ, chỉ trong vòng 3 năm, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tại Hy Lạp giảm tới 17%, trong khi con số này ở Tây Ban Nha là 8%. Tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm ngân sách tại Châu Âu cũng tăng lên 19 triệu người, mức cao nhất trong vòng 20 năm. Chăm sóc y tế, lương hưu và các hệ thống an sinh xã hội đang ngấp nghé bờ vực nguy hiểm.

Trong bối cảnh như hiện nay, nhiều nhà phân tích cho rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế lâu dài ở Châu Âu là sự mệt mỏi của cả chính phủ và người dân khi buộc phải tiến hành các bước đi khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống đỡ các khoản nợ quốc gia. Lo ngại này không phải không có cơ sở khi tâm lý bất mãn lan rộng đã dẫn đến làn sóng biểu tình đường phố và các cuộc đình công chung. Trong khi đó, các đảng chính trị phản đối khắc khổ đã giành được sự ủng hộ của công chúng khiến chính phủ nhiều nước rơi vào tình trạng chông chênh.

Trước tình hình nền kinh tế khu vực có khả năng lún sâu vào đợt suy thoái mới, ngày 2-5, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã có một động thái chưa từng thấy trong lịch sử khi quyết định hạ lãi suất từ 0,75% xuống còn 0,5% - mức thấp nhất từ khi cơ quan này được thành lập. Ngoài việc hạ lãi suất, trong khuôn khổ ngân sách cho thời kỳ 2014-2020, EU đã đề ra "Sáng kiến cho giới trẻ", với ngân sách 6 tỷ USD dành cho những vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao hơn 25%. Tổng cộng có 13 quốc gia thành viên nằm trong diện này. Nghiêm trọng nhất phải kể đến là Hy Lạp (hơn 59%), Tây Ban Nha (hơn 56%), Italia (hơn 38,4%) và Bồ Đào Nha (38,3%).

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, sáng kiến nói trên chưa đủ để giải quyết vấn đề thất nghiệp trong khối này và động thái hạ lãi suất của ECB cũng không mang lại đột phá vì tình trạng kinh tế hiện nay cần những biện pháp mạnh tay hơn nữa. Bên cạnh đó, hiệp ước về tăng trưởng, huy động tổng cộng 120 tỷ euro, được các lãnh đạo EU thông qua vào năm ngoái, vẫn chưa được cụ thể hóa ở mức độ mong muốn. Do đó, trên cả phương diện tài chính lẫn chính sách, Châu Âu dường như vẫn chưa tìm được điểm bắt đầu thực sự chính xác để thoát khỏi ma trận nợ nần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu: Chông chênh gánh nợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.