(HNM) - "Trần" lãi suất huy động VND được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 9%/năm, song tại hầu hết ngân hàng, mức lãi suất huy động cao nhất tiến sát ngưỡng 12%/năm, có ngân hàng còn áp dụng mức cao hơn.
Lãi suất huy động cao đẩy nhiều ngân hàng đến việc phải cho vay cao. Mặc dù NHNN yêu cầu phải đưa lãi suất cho vay đối với các khoản cũ xuống tối đa 15%/năm, nhưng không phải khách hàng nào cũng được điều chỉnh theo mức này…
Khách hàng tới giao dịch tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh: Đàm Duy |
Theo quyết định của NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 2%/năm, lãi suất tối đa với kỳ hạn từ trên 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung -cầu vốn thị trường. Với quy định mới này, thay vì phải "lách" trần lãi suất bằng mọi giá thì ngân hàng đương nhiên được phép công bố biểu lãi suất cao dành cho các kỳ hạn dài. Tại nhiều ngân hàng có quy mô lớn, lãi suất có thể chỉ ở mức 10-11%/năm, nhưng đối với hầu hết ngân hàng cổ phần nhỏ, lãi suất huy động đạt 11,9-12%/năm, thậm chí là 12,5%/năm. Mức này chỉ dành cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên và hầu hết ngân hàng đã chấm dứt việc trả lãi đối với tiền gửi rút trước hạn. Trước đó, đã có tình trạng một số tổ chức tín dụng nhận tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng và cho phép người gửi tiền hưởng lãi suất trên 12 tháng khi rút trước hạn (sau 1 tháng hoặc 3 tháng…).
"Đầu vào" cao khiến "đầu ra" không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi các ngân hàng "ra rả" tuyên bố, kể từ ngày 15-7, lãi suất cho vay sẽ được kéo xuống thấp, với những khoản vay cũ sẽ xuống mức tối đa là 15%/năm, còn những khoản vay mới có khả năng "chạm" tới lãi suất cho vay 13%/năm. Đại diện nhiều ngân hàng còn khẳng định, mức tối đa 15%/năm sẽ được áp dụng cho tất cả các khoản vay cũ, trong đó có vay sản xuất, kinh doanh và cả vay tiêu dùng… Tuy nhiên, đây mới dừng lại là khẩu hiệu, đối với nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân, lãi suất thấp vẫn quá xa vời.
Một khách hàng tên là N.T (Cầu Giấy, Hà Nội) làm thủ tục vay 500 triệu đồng tại ngân hàng V từ tháng 6-2012 để sản xuất, kinh doanh, tài sản bảo đảm là ngôi nhà đang ở. Mức lãi suất ngân hàng này áp dụng cho chị N.T là 18%/năm. Mặc dù tại thời điểm tháng 6, khi chị N.T ký hợp đồng vay tiền, "trần" huy động đã xuống 9%/năm, nhưng chị N.T vẫn chấp nhận vì ngân hàng đưa ra lý do lãi suất huy động cao buộc phải cho vay cao mới đủ chi phí. Khi nghe thông tin NHNN yêu cầu đưa lãi suất cho vay đối với các khoản cũ về tối đa 15%/năm, chị N.T rất vui, vì với khoản vay 500 triệu đồng, khoản tiền lãi phải trả ngân hàng sẽ giảm hơn một triệu đồng/tháng. Nhưng, khi chị đưa vấn đề này hỏi nhân viên tín dụng thì chỉ nhận được cái lắc đầu, chị vẫn phải trả 18%/năm. Không riêng gì chị N.T, nhiều khách hàng cũ cũng chưa được giảm lãi suất vay, chủ yếu là tại các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ. Khách hàng may mắn thì lãi suất là 16-17%/năm, còn hầu hết vẫn phải chấp nhận 18-18,5%/năm. Chị Y, khách hàng của ngân hàng T, vay có thế chấp tài sản với lãi suất 18,5%/năm cũng phải "ngậm ngùi" vì ngân hàng này cương quyết không giảm lãi suất.
Ngay cả những khách hàng làm thủ tục vay mới cũng không được hưởng lãi suất 15%/năm, chứ chưa nói đến mức 13%/năm như đại diện một số ngân hàng từng phát biểu. Anh V.H (quận Đống Đa) cần vay khoảng 600 triệu đồng (có thế chấp tài sản). Anh đến làm việc với một ngân hàng có hội sở ở Hà Nội, tuy nhiên lãi suất mà ngân hàng này đưa ra vẫn là 18%/năm, không có mức 15%/năm.
Vẫn biết ngân hàng có cái khó, vì tại nhiều đơn vị còn những khoản gửi tiết kiệm lãi suất 12%/năm, thậm chí là 14%/năm trước đó, cộng với những khoản nợ xấu, nên cần chặt chẽ khi cho vay. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, ngân hàng cần có giải pháp cân đối để lãi suất cho vay 15%/năm không chỉ dừng lại là lời kêu gọi mà sẽ đến tay khách hàng. Bởi, với mức huy động 9%/năm, thậm chí là 12%/năm, ngân hàng chỉ cần cho vay với mức 12-15%/năm là đã có lợi nhuận để hoạt động, nên không có lý do gì để khách hàng tiếp tục phải chịu lãi suất vay đến 18%/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.