Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất tẩy rửa không nhãn mác: Khó kiểm soát!

Kim Vũ| 24/06/2017 07:26

(HNM) - Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ giật mình, dễ mua... là đặc điểm dễ nhận thấy của nhiều loại nước rửa bát, tẩy rửa bán tràn lan trên thị trường Hà Nội. Những sản phẩm này được


Giá rẻ như... cho

Nước tẩy rửa, nước rửa bát là lựa chọn của hầu hết gia đình để làm sạch đồ gia dụng. Tuy nhiên, để vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, nhiều chủ cửa hàng, quán ăn đã chọn những loại nước rửa bát không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc.

Tại một quán ăn ở chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), nhân viên không tiếc khi liên tục đổ chất tẩy, rửa vào chậu để rửa bát. Chị này cho biết, bà chủ cho sử dụng nước rửa bát thoải mái và trong cửa hàng lúc nào cũng có cả can lớn. Chỉ cho phóng viên xem một can nhựa màu vàng 5 lít không tem nhãn để kế bên, chị nhân viên thật thà nói: "Cứ khoảng nửa tháng lại có người mang cả can to đến. Cửa hàng không phải đi mua, còn họ mang ở đâu đến thì tôi không biết"...

Đây là tình trạng khá phổ biến tại rất nhiều các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố!

Dạo quanh một số chợ dân sinh như: Thành Công, Nhà Xanh, Đồng Xuân hay các phố: Hàng Vải, Hàng Chiếu... việc mua những sản phẩm tẩy, rửa này không khó và giá lại rất "mềm". Các loại nước có màu xanh, đỏ (nước lau sàn), màu vàng (nước rửa bát) hầu hết được đựng trong can hoặc chai nhựa 5 lít, giá trung bình chỉ từ 5.000 đến 7.000 đồng/lít. Người tiêu dùng mua bao nhiêu cũng có.



Hậu quả khó lường

Ít ai nghĩ rằng, việc sản xuất các loại nước tẩy, rửa này lại đơn giản chỉ bằng một vài công thức pha chế. Thậm chí, không cần hiểu về tính chất lý, hóa... cũng có thể sản xuất được nước tẩy, rửa. Trên các trang mạng, tràn ngập thông tin quảng cáo như chuyển giao kỹ thuật nước rửa chén, nhận gia công một phần các sản phẩm hương liệu... Một "khóa học" trung bình khoảng 3 ngày với "học phí" chỉ khoảng 3-5 triệu đồng là "học viên" có thể đã... thành nghề. Đồ nghề pha chế gồm thùng phuy, can nhựa cùng với nguyên liệu là soda, nước, muối, đạm ure, hương, màu, chất tạo bọt, chất tạo đặc... Có không ít người đã kiếm sống được chính từ những lớp học "siêu tốc" như vậy...

Thạc sĩ Mạc Văn Hoàn, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, cảnh báo, nếu trộn các loại nguyên liệu với nhau sẽ có những phản ứng hóa học phát sinh độc tố. Cụ thể, thành phần trong nước rửa bát cần dùng màu thực phẩm nhưng vì lợi nhuận, nếu thay bằng màu công nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng. Hoặc việc lạm dụng quá đà chất soda, loại chất tẩy cực mạnh có tính nhờn, sẽ làm bục vải, giấy và ăn mòn da. Sẽ càng nguy hiểm nếu người dân tự... mua công thức hoặc học lại công thức không mang tính khoa học, pha tạp nhiều loại hóa chất chứa tạp chất như chì hoặc chất tẩy tổng hợp không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thực tế rất khó để phát hiện các loại nước rửa bát, tẩy rửa tự chế trên thị trường. Hầu hết là do các cơ sở tư nhân tự pha chế thủ công. Thời gian qua, đơn vị đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về sản phẩm bày bán không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tịch thu và xử phạt theo giá trị sản phẩm. Chi cục Quản lý thị trường cũng thường xuyên đôn đốc, có văn bản chỉ đạo các Đội quản lý địa bàn rà soát, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên. Đơn vị này cũng khuyến khích người dân phát hiện và thông báo để lực lượng quản lý thị trường nhanh chóng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Các bác sĩ về da liễu cũng cảnh báo người dân cần thận trọng khi chọn sản phẩm nước rửa bát, chất tẩy rửa. Nếu các sản phẩm tự chế không đúng quy trình, ngoài việc làm hại da tay, có thể gây ngộ độc mãn tính, về lâu dài có thể gây ung thư. Đề nghị các cơ quan hữu quan có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở bán hàng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất tẩy rửa không nhãn mác: Khó kiểm soát!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.